Điều đặc biệt nữa, tuy người trong nhà đã có thẻ nhưng vẫn muốn mở thêm thẻ để đa dạng trong thanh toán. Còn trẻ con chưa biết dùng thẻ hay người già "lười" dùng thẻ... gia đình háo hức tuyên truyền tham gia để thấy bây giờ "người người không tiền mặt" mà tiếp cận dần hay thay đổi lại thói quen.
Rõ ràng, xu hướng không tiền mặt đã tác động lớn đến thói quen không chỉ từng người, từng cá nhân, từng tầng lớp mà đến cả một gia đình với mọi lứa tuổi, và đông đảo xã hội người Việt.
Việt Nam đã có rất nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt. Đó là tầm nhìn và động thái quyết tâm, quyết liệt thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong công cuộc phát triển đất nước theo công nghệ số. Ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thiết kế phù hợp cho người dân TP hay vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa...
Dẫu thế, cũng phải thừa nhận rất khó để so với các nước đang có xu hướng không tiền mặt trên thế giới, hay so sánh gần với người bạn láng giềng Trung Quốc khi thanh toán qua các ứng dụng di động. Vì đến cuối năm 2022, giá trị thanh toán kỹ thuật số tích lũy ở quốc gia tỉ dân này đạt 3,5 nghìn tỉ USD, trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về thanh toán kỹ thuật số.
Không tiền mặt trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế, là cần thiết, là ưu tiên hàng đầu của người dùng. Một gia đình thuần túy hay một gia đình kinh doanh... đều quan tâm đến sử dụng thẻ không tiền mặt. Tất cả có chung một mẫu số mong muốn: xã hội không tiền mặt sẽ tiện lợi, nhẹ nhàng và minh bạch hơn.
Hướng đến một xã hội không tiền mặt, tạo ra một quốc gia không tiền mặt không còn là chặng đường quá dài. Nếu cả một xã hội sử dụng thẻ, cả hệ thống ngân hàng trực tuyến nâng cấp, an toàn bảo mật, thân thiện; toàn thể người dân đều hài lòng, hạnh phúc với thanh toán không tiền mặt khi tác động tốt đến cuộc sống... thì Việt Nam trở thành quốc gia không tiền mặt không còn quá xa xôi.