Không chỉ là những tấm bằng tốt nghiệp danh giá, những sinh viên tiêu biểu được các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh vinh danh còn là minh chứng sống động cho hành trình chinh phục tri thức, đam mê bền bỉ và bản lĩnh tổ chức xuất sắc. Mỗi bước đi của họ là câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ, mở lối cho thế hệ trẻ vững tin tiến bước trong thời đại số hóa và đổi mới không ngừng.
Năng lực học thuật vượt trội, kết quả GPA tuyệt đối
Trong lễ tốt nghiệp năm 2025 của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, giữa hơn 1.000 sinh viên, Lã Nguyễn Gia Hy nổi bật như một biểu tượng xuất sắc. Là sinh viên khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, chuyên ngành Trí tuệ Nhân tạo, Hy tốt nghiệp sớm nửa năm, đạt GPA tuyệt đối 4.0/4.0, IELTS 8.0 cùng hàng loạt danh hiệu và học bổng danh giá, trở thành người duy nhất nhận Huy chương Vàng năm nay.
Không phải ngẫu nhiên mà Gia Hy bén duyên với Bách khoa. Với thành tích giải Nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Toán, huy chương vàng Olympic 30/4 và điểm tuyệt đối tại cuộc thi Toán quốc tế SASMO, Hy bước vào cánh cổng đại học bằng niềm đam mê toán học thuần khiết. Tuy nhiên, sự kiện chương trình Alphago của Google đánh bại kỳ thủ cờ vây hàng đầu thế giới đã mở ra cho Hy một khát vọng lớn hơn: Khám phá trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực mà trước đây người ta tin rằng máy móc khó lòng chinh phục.
Bước vào môi trường đại học, Hy nhanh chóng khẳng định mình qua các môn học về học máy, nhập môn AI, đồng thời tham gia vào các dự án thực tế như chatbot tư vấn tuyển sinh, hệ thống phân loại rác thải bằng AI. Là thành viên nhóm nghiên cứu URA của trường, Hy đóng vai trò chủ chốt trong các sáng kiến cải thiện khả năng phản hồi và cá nhân hóa của chatbot. Đồng thời, Hy cũng là tác giả chính của bài báo khoa học được gửi tới Hội nghị quốc tế chuyên sâu về hệ thống thị giác thông minh.
PGS.TS Quản Thành Thơ, Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, nhận xét: “Hy có khả năng tự học, sáng tạo trong tư duy và thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc đáng quý. Tôi tin rằng em sẽ còn tiến xa trong lĩnh vực AI”.
Không dừng lại ở thành tích, Gia Hy ấp ủ kế hoạch học tiếp chương trình sau đại học chuyên sâu về AI trong 2 - 3 năm tới, với mong muốn phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang lại lợi ích xã hội như xử lý chất thải, tự động hóa sản xuất, tối ưu hóa vận hành.
Làm chủ công nghệ, kiến tạo tương lai
Khác với con đường thẳng tắp của Gia Hy, Hồ Lê Minh Thạch,Thủ khoa ngành Kỹ sư (Kỹ thuật phần mềm) khóa 2025 của Đại học RMIT Việt Namlại có một hành trình tìm kiếm đam mê đầy bất ngờ. Từng là học sinh trung học phổ thông chưa rõ định hướng nghề nghiệp, Minh Thạch tình cờ tiếp cận khóa học khoa học máy tính CS50 của Đại học Harvard. Đó là bước ngoặt khiến em khám phá ra niềm yêu thích lập trình và quyết tâm theo đuổi con đường công nghệ.
Nằm trong nhóm 2% sinh viên Đại học RMIT toàn cầu được Phó Chủ tịch Hội đồng Trường vinh danh vì thành tích học tập xuất sắc năm 2024 và là Thủ khoa ngành Kỹ sư (Kỹ thuật phần mềm) khóa 2025 của Đại học RMIT Việt Nam, Hồ Lê Minh Thạch chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một kỹ sư phần mềm. Thế nhưng, chính nền tảng kiến thức vững chắc từ RMIT Việt Nam cùng trải nghiệm với khóa học khoa học máy tính của Harvard đã khơi dậy đam mê lập trình, tiếp thêm sức mạnh để em kiên định theo đuổi sự nghiệp này.
Tại RMIT, Minh Thạch không chỉ học tập xuất sắc mà còn chuyển hóa kiến thức thành những sản phẩm thực tế. Một trong những dự án ấn tượng nhất của Thạch là xây dựng hệ thống hỏi đáp thông tin y khoa sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và kỹ thuật tối ưu hóa truy xuất (RAG). Đồ án này đã giành giải Dự án Kỹ thuật phần mềm và Công nghệ thông tin tốt nhất tại triển lãm tốt nghiệp Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ.
Không dừng ở học thuật, Minh Thạch còn nhanh chóng tích lũy kinh nghiệm thực tế khi thực tập tại Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) chi nhánh Việt Nam. Được đánh giá cao, Thạchđược giữ lại làm việc chính thức ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường. Gần đây, sản phẩm Time Jar, ứng dụng thúc đẩy hiệu suất cá nhân do Thạch phát triển, đạt 470 lượt tải chỉ sau hai tuần ra mắt, chứng minh khả năng sáng tạo và khả năng nắm bắt xu thế thị trường của anh.
Minh Thạch chia sẻ: “Được làm những việc mình yêu thích, thấy sản phẩm mình tạo ra có ích cho người khác, đó chính là động lực để em tiếp tục học hỏi và tiến xa hơn trong sự nghiệp công nghệ”.
Với Khưu Minh Khuê,sinh viên khóa đầu tiên của ngành Cử nhân Khoa học Ứng dụng (Hàng không) tại RMIT Việt Nam, giấc mơ không chỉ nằm trên những trang giáo trình mà còn là hành trình mở lối cho thế hệ sinh viên ngành hàng không còn non trẻ.
Ngay từ năm nhất, Minh Khuê đã nổi bật không chỉ bởi thành tích học tập mà còn bởi tinh thần dẫn dắt cộng đồng. Tham gia chương trình Bạn giúp bạn (PAL), Khuê trở thành người hỗ trợ học tập, cố vấn và truyền cảm hứng cho các sinh viên khóa sau.
Dự án nổi bật nhất của Minh Khuê là hệ thống "Ứng dụng AI quản lý tình trạng mệt mỏi của phi công", kết hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt và phân tích chuyển động mắt để đánh giá mức độ tỉnh táo trước chuyến bay. Hệ thống này không chỉ giải quyết bài toán kỹ thuật phức tạp mà còn có giá trị thực tiễn cao trong đảm bảo an toàn hàng không.
Tiến sĩ Alberto Bernabeo, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Hàng không tại RMIT Việt Nam, nhận xét: “Khuê không chỉ học giỏi, tự tin mà còn biết tạo ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng sinh viên. Tôi tin rằng Khuê sẽ thành công trên cả con đường học thuật lẫn sự nghiệp sau này”.
Dù xuất phát từ những hành trình khác nhau, ba gương mặt trẻ tiêu biểu:Gia Hy, Minh Thạch và Minh Khuê đều chung một điểm, bản lĩnh theo đuổi đam mê, khả năng làm chủ tri thức hiện đại và khát khao đóng góp cho xã hội.
Họ không chỉ đại diện cho những thành tựu của giáo dục đại học Việt Nam trong kỷ nguyên mới mà còn là hình mẫu sống động cho tinh thần dám ước mơ, dám bứt phá, dám khai mở những chân trời mới. Từ những đường băng của giảng đường hôm nay, họ đã sẵn sàng "cất cánh" bay xa, chạm tới những đỉnh cao tri thức và sáng tạo trong tương lai.