Tự hào nghề giáo: Xây dựng hình tượng người thầy đạo đức, trí tuệ

18/11/2023, 12:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Người thầy giáo có vị trí đặc biệt và giữ vai trò quan trọng đối với xã hội ở mọi thời đại.

Tình yêu của người thầy giáo đối với học trò được thể hiện ở chỗ: “Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt bỉ thử các cháu vùng này hay các cháu vùng khác. Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Yêu nghề, yêu trò còn được thể hiện ở chỗ: “Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Ảnh minh họa: Thế Đại
Ảnh minh họa: Thế Đại

Vận dụng sáng tạo

Trên cơ sở trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, năng lực toàn diện và tâm huyết với nghề, người thầy phải không ngừng chuyển hóa nó thành năng lực, đạo đức, tư tưởng cho người học bằng việc truyền bá tri thức, phương pháp, tay nghề cho họ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy giáo là chăm lo cho con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà… Thầy giáo cũng như học trò, tất cả đều phải tham gia vào các công việc xã hội một cách thật tích cực. Nhà trường phải gắn liền với thực tiễn xã hội, gắn liền với đời sống của nhân dân.

Nói về nhiệm vụ của người thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra bản chất ưu việt của nền giáo dục trong xã hội mới là hoàn toàn khác với giáo dục trong xã hội cũ: Động cơ của người làm nghề thầy giáo không phải là mục đích kinh tế thuần túy mà phải gắn liền với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể theo nhu cầu của xã hội, phải đáp ứng được lợi ích của nhân dân, vì sự mưu cầu hạnh phúc cho con người.

Trên cơ sở kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về nhiệm vụ của người thầy giáo, cùng với những căn cứ từ điều kiện thực tế của xã hội hiện nay, Đảng, Nhà nước ta xác định một trong số những nhiệm vụ quan trọng nhất là:

Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế.

Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Cán bộ quản lý giáo dục các cấp phải qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý.

Phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm; khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo.

Có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm. Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.

Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác.

Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đố́i với nhà giáo có trình độ cao; có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc trong môi trường số. Có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ về chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học. Bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường ngoài công lập về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ...

Tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước. Triển khai các giải pháp, mô hình liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo, nhất là các trường đại học với các tổ chức khoa học và công nghệ, đặc biệt là các viện nghiên cứu.

Trên cơ sở phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn - nghiệp vụ, lòng yêu nghề và sự kế thừa, phát huy quan điểm của các thế hệ nhà giáo đi trước, đặc biệt là hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đội ngũ thầy cô giáo hiện nay đã và đang đạt được nhiều kết quả quan trọng trong sự nghiệp giáo dục của mình, góp phần tiếp tục xây dựng hình tượng người thầy đạo đức, trí tuệ, tâm huyết, quyết tâm và sáng tạo trong điều kiện xã hội hiện nay.

Trong suốt quá trình đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là kim chỉ nam, là cơ sở lý luận vững chắc, là động lực mạnh mẽ cho đội ngũ làm công tác giáo dục nước nhà. Trong điều kiện xã hội hiện nay, tư tưởng và tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Với những phẩm chất cao đẹp vốn có của người giáo viên nhân dân cộng với tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ giúp đội ngũ thầy cô giáo luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong hoàn cảnh đất nước hiện nay và trong tương lai.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tu-hao-nghe-giao-xay-dung-hinh-tuong-nguoi-thay-dao-duc-tri-tue-post660816.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tu-hao-nghe-giao-xay-dung-hinh-tuong-nguoi-thay-dao-duc-tri-tue-post660816.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tự hào nghề giáo: Xây dựng hình tượng người thầy đạo đức, trí tuệ