Các tỉnh tiếp quản hoạt động trung tâm đăng kiểm
Về công tác quản lý nhà nước, Nghị định quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm, Sở GTVT và chức năng cung cấp dịch vụ của các đơn vị đăng kiểm.
Theo đó, Cục Đăng kiểm là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thống nhất quản lý hoạt động đăng kiểm trên phạm vi cả nước; Sở GTVT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong phạm vi địa phương và các đơn vị đăng kiểm thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Nghị định cũng đưa ra lộ trình chuyển tiếp hoạt động để Sở GTVT chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, kể từ ngày thông tư có hiệu lực (8-6), nếu Sở GTVT chưa thực hiện được các nhiệm vụ cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định; kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và hoạt động kiểm định thì có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm tiếp tục thực hiện. Kể từ ngày 1-1- 2026, Sở GTVT thực hiện việc cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định.
Về thời hạn tạm đình chỉ hoạt động của các trung tâm đăng kiểm có sai phạm, nghị định quy định cụ thể đối với trường hợp nào thì bị tạm đình chỉ hoạt động 1 tháng và trường hợp bị tạm dừng hoạt động 3 tháng, không đưa ra quy định “mềm” và chung chung như trước đây. Mục đích của cơ quan soạn thảo tránh tiêu cực trong xử phạt.
Các trung tâm đăng kiểm không được dừng hoạt động kiểm định quá lâu mà phải bảo đảm thời gian hoạt động kiểm định bình thường tối thiểu 8 giờ mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần; thông báo công khai thời gian kiểm định tại trụ sở đơn vị đăng kiểm.
Thêm vào đó, các trung tâm đăng kiểm quản lý, giám sát hoạt động kiểm định tại đơn vị, chịu trách nhiệm toàn diện khi để xảy ra vi phạm, tiêu cực tại đơn vị đăng kiểm. Trường hợp thay đổi về đăng kiểm viên làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị đăng kiểm thì phải thông báo đến Sở GTVT và Cục Đăng kiểm.
Bổ sung quy định về bộ máy trung tâm đăng kiểm Theo quy định hiện hành, các trung tâm đăng kiểm không phải thành lập các bộ phận để hoạt động. Tuy nhiên, Nghị định bổ sung quy định đơn vị đăng kiểm phải có bộ phận sau: + Bộ phận kiểm định: Gồm phụ trách bộ phận kiểm định, đăng kiểm viên để thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của phương tiện; + Bộ phận văn phòng: Gồm nhân viên nghiệp vụ và các nhân viên khác để thực hiện các công việc văn phòng, hỗ trợ hoạt động kiểm định. Nhân lực của đơn vị đăng kiểm gồm: + Có tối thiểu 1 lãnh đạo có đủ điều kiện theo quy định. + Có tối thiểu 1 phụ trách bộ phận kiểm định; + Dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 2 đăng kiểm viên bảo đảm thực hiện đủ các công đoạn kiểm định. Các nhân sự quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tham gia kiểm định tại các dây chuyền kiểm định và được tính là đăng kiểm viên trên dây chuyền kiểm định. |