Quá trình này giúp chị hiểu ra nhiều điều, nhất là trên chuyến xe lên Cao Bằng được nghe ông Nguyễn Tuấn Khoa đọc thơ của thi nhân, nói về sự ra đời của bài “Tống biệt hành” và nhắc đến huyền thoại văn chương “Hai sắc hoa Ti-gôn”.
“Tôi được cảm nhận, học thêm và ngày càng yêu những áng thơ đó, thấy mình làm được những việc gì đó rất quý giá. Đến buổi lễ này, tôi rất cảm xúc khi dạo bước trên phố Thâm Tâm thật nhẹ nhàng, tao nhã khi xung quanh là những công viên, trường học và các phố gắn liền với các văn nghệ sĩ như: Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Tú Mỡ, Nguyễn Bá Khoản.
Mong rằng, từ việc Hà Nội có phố Thâm Tâm mọi người sẽ biết nhiều hơn về những bài thơ, bài văn, truyện ngắn của thi nhân”, chị Hòa vừa bày tỏ, vừa nhẩm đọc những câu thơ trong bài “Tống biệt hành” mà chị may mắn đọc được từ bản in gốc trong “Tiểu thuyết thứ Bảy” mà gia đình nhà thơ vừa tìm lại được:
“Ta biết ngươi buồn đêm hôm trước.
bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
một chị, hai chị cùng như sen,
khuyên nốt em trai bằng lệ sót…
Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay.
giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
em nhỏ ngây thơ đôi mắt ướt,
gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...”.
Là một trong những gia đình được gắn biển số nhà trên phố Thâm Tâm, bà giáo Nguyễn Thị Thuận cho biết, đó là niềm vinh hạnh và cảm động. Nhà bà Thuận ở trên khu đất tập thể giáo viên Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp nghề của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngay trên con phố này.
“Khi được ở trên một con phố gắn biển tên người có công đóng góp cho cách mạng từ thuở ban đầu như nhà thơ Thâm Tâm nổi tiếng với bài “Tống biệt hành”, tôi rất xúc động. Cũng bởi lẽ, để có được độc lập tự do, có được sự yên lành như bây giờ chúng ta luôn biết ơn và cần tri ân tới các bậc lão thành cách mạng như ông – một thế hệ đã không quản ngại gian khó, hy sinh để giành độc lập cho đất nước”, bà Thuận nói.
Thầy giáo Thái Vĩnh Hiển (nguyên giảng viên Đại học Bách khoa) cũng bày tỏ niềm tự hào khi được sống trên con phố mang tên nhà thơ Thâm Tâm. Ông Hiển chia sẻ bản thân biết về thi nhân từ thời học phổ thông, qua bài thơ nổi tiếng “Tống biệt hành”.
Bản chụp so sánh của ông Nguyễn Tuấn Khoa về sai khác của 'Tống biệt hành' từ bản gốc in trên Tiểu thuyết thứ Bảy số 325, ngày 7/9/1940 và bản in sau này. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa |
Từ đó, ông đã tìm hiểu và biết được từ xuất xứ, gốc gác đến quá trình hoạt động cách mạng của thi sĩ, chiến sĩ Thâm Tâm - người trai trẻ tham gia nhập ngũ và mất ở Cao Bằng khi mới 33 tuổi nhưng để lại cho đời nhiều trang thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết.
Nhiều tác phẩm của Thâm Tâm sau này được người con trai Nguyễn Tuấn Khoa dành nhiều tâm sức sưu tầm, tìm hiểu, thu thập và tập hợp thành các tuyển tập… Nhờ thế mà người đọc hôm nay được tiếp cận và thấy được một Thâm Tâm dù tuổi còn trẻ nhưng rất có ý chí, một lòng vì dân, vì nước. Các tác phẩm đó cũng mang lại cho thế hệ sau những bài học kinh nghiệm cuộc sống rất sâu sắc.
“Khi được sống ở ngôi nhà nằm trên phố Thâm Tâm tôi thấy rất tự hào và thêm quý trọng nhà thơ. Ở tuổi chúng tôi có thể hình dung được song đến con cái dù đã trưởng thành, ngoài 40 - 50 tuổi nhưng vẫn không thể hiểu và biết được gốc gác của các vị tiền bối này.
Vì vậy, chúng tôi cần làm công tác tư tưởng cho con cháu, cho bà con lối xóm xung quanh hiểu được thêm lối sống, sự nghiệp của nhà thơ Thâm Tâm nói riêng và nhiều nhà thơ chiến sĩ khác nói chung, từ đó phục vụ đời sống tinh thần tốt hơn.
Ngoài ra, tuyến phố này hiện nay còn có nhiều đoạn cho đỗ ô tô bên đường, cần được quản lý tốt hơn. Tôi mong cơ quan chức năng động viên, hoặc chỉ đạo sát sao hơn để môi trường của đường phố sạch đẹp hơn”, thầy Hiển nhấn mạnh.
“Để vinh danh những cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật và đóng góp hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, năm 2004, Hải Dương, quê hương, nơi Thâm Tâm sinh ra và lớn lên, đã đặt tên phố Nguyễn Tuấn Trình (Thâm Tâm).
Năm ngoái, Cao Bằng, nơi Thâm Tâm hy sinh trong chiến dịch Biên giới năm 1950, đã đưa tên Thâm Tâm vào ngân hàng tên phố để chuẩn bị phê duyệt.
Hà Nội là nơi Thâm Tâm trưởng thành, bắt đầu các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật; cũng là nơi Thâm Tâm tham gia Văn hóa Cứu quốc, Cách mạng tháng Tám và kháng chiến; là nơi cả dòng họ đã về sinh sống từ đầu những năm 30 thế kỷ trước. Việc đặt tên phố Thâm Tâm ở Hà Nội ghi nhận sự vinh danh Thâm Tâm đối với Thủ đô, với đất nước.
Thưa cha!
Vào một ngày mùa Đông năm 1946, cha đã rời Hà Nội ra đi kháng chiến. Và hôm nay, các con cháu và cả dòng họ, đã cùng với nhân dân Hà Nội đón cha về!”.
(Trích lời phát biểu tại lễ gắn biển phố Thâm Tâm của ông Nguyễn Tuấn Khoa, con trai nhà thơ Thâm Tâm)