Tư vấn tâm lý học đường: Không chỉ cho học sinh

Minh Phong | 29/04/2022, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các chuyên gia cho rằng, không chỉ học sinh mà giáo viên và phụ huynh cũng cần được tham vấn tâm lý để hóa giải những áp lực và chuyển hóa cảm xúc tiêu cực.

Hóa giải cảm xúc

“Vẫn biết, trong cuộc sống bố mẹ có nhiều áp lực, nhưng chúng ta không thể đòi hỏi trẻ phải hoàn thiện bản thân. Hãy cho các em quyền được sai. Bởi có sai mới trưởng thành. Vì thế, phụ huynh phải biết cách và hãy là nhà tâm lý cho con em của mình” - bà Hương nhắn gửi.

Theo TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý, giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), cha mẹ và người lớn cần bình tĩnh, kiên trì, tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu để giúp đỡ trẻ. Tránh xu hướng áp đặt, bạo lực có thể gây ra những phản ứng tiêu cực khác. Chẳng hạn, trẻ đi chơi về khuya không xin phép bố mẹ, trong trường hợp này bố mẹ cần bình tĩnh, nói chuyện, giải thích cho các em hiểu về hành vi chưa phù hợp của mình. Từ đó thiết lập những điều thống nhất chung giữa cha mẹ và con cái.

“Nếu lần sau trẻ vi phạm sẽ phải chịu một hình thức kỷ luật nhất định. Hình thức kỷ luật này cần được thống nhất, không mang tính xúc phạm nhân cách của trẻ. Tốt nhất là một hệ quả logic của hành vi đi chơi về muộn. Cụ thể, nếu đi chơi về muộn thì tuần sau sẽ không được đi chơi nữa. Và khi trẻ tuân thủ đúng quy định thì cha mẹ khôi phục quyền cho trẻ” - TS Hoàng Trung Học trao đổi.

Ở góc nhìn khác, TS Lê Minh Công - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khoẻ tinh thần, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Bên cạnh học sinh, phụ huynh cần được tư vấn tâm lý học đường. Những nghiên cứu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và sau Covid-19 cho thấy, giáo viên cũng gia tăng các vấn đề sức khoẻ tâm thần cần phải được chăm sóc, nhất là tại quốc gia đang phát triển và đặt kỳ vọng, gánh nặng lên vai nhà giáo như Việt Nam.

Những khó khăn của giáo viên đến từ khủng hoảng hay trách nhiệm quá nhiều với vai trò là vợ hay chồng, cha mẹ mà trong thời gian giãn cách xã hội họ vẫn phải thực hiện. Với vai trò là giáo viên, họ phải chịu áp lực về việc phải truyền tải đủ nội dung kiến thức, phải tiếp cận và học sử dụng công nghệ mà trước đây không phải thực hiện, trong khi nhiều người không có kiến thức và kỹ năng thành thục về lĩnh vực này.

Thầy cô phải dạy trực tuyến với số lượng học sinh quá đông, các nguồn tài nguyên cho giảng dạy còn thiếu và yếu, thiếu kết nối với đồng nghiệp và học sinh của họ… Đồng thời, nhà giáo cũng phải giãn cách xã hội, có nguy cơ nhiễm Covid-19, khó khăn về tài chính và nguồn lương thực, có thể có người gia đình chết hay mắc bệnh do Covid-19… “Do vậy, việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần của giáo viên cũng rất quan trọng. Thầy cô khoẻ mạnh mới có thể giúp học sinh an lạc, hạnh phúc trong các giờ dạy” - TS Lê Minh Công chốt lại.

“Thời gian gần đây, nhiều học sinh tự tử đều liên quan đến vấn đề tâm lý. Đôi khi không phải vì căng thẳng học tập, mà có thể các em bị áp lực từ những yếu tố khách quan như bố mẹ và con cái chưa hiểu nhau nên dẫn đến căng thẳng, xung đột và có hành động bột phát” - bà Phan Thị Lan Hương nói.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tu-van-tam-ly-hoc-duong-khong-chi-cho-hoc-sinh-1BvNNrwng.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tu-van-tam-ly-hoc-duong-khong-chi-cho-hoc-sinh-1BvNNrwng.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tư vấn tâm lý học đường: Không chỉ cho học sinh