Tử vong sau 7 giờ phẫu thuật nâng ngực không gây mê

10/05/2023, 16:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ca phẫu thuật nâng ngực được thực hiện tại nhà riêng. Bệnh nhân chỉ được dùng thuốc tê, không gây mê để giảm chi phí, tuy nhiên, sự việc đau lòng đã xảy ra.

Sáng 10/5, Tòa án Nhân dân quận Bình Tân (TP.HCM) mở phiên tòa xét xử đối với ông Phan Đức Hồng, bác sĩ nghỉ hưu, về tội "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp", quy định tại khoản 1, điều 129 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Gây tê thay vì gây mê

Theo cáo trạng, khoảng 8h ngày 3/7/2021, chị N.T.L.T. đến nhà của ông Hồng (địa chỉ 480/16 Mã Lò, Bình Hưng Hòa A, Bình Tân) để phẫu thuật nâng ngực và âm đạo, chi phí được báo 47 triệu đồng.

Ông Hồng yêu cầu chị T. vệ sinh cơ thể và cho uống 2 viên thuốc Seduxen (an thần, gây ngủ), một viên Clopheramine (thuốc kháng histamin) và tiêm 1 đường truyền vào tay trái, đo huyết áp, nhịp tim.

Sau đó, ông Hồng đưa chị T. vào phòng phẫu thuật tại lầu 1 rồi dùng viết vẽ định vị các mốc để phẫu thuật trên 2 ngực chị T., tiêm 2 uống thuốc gây tê cục bộ dưới vùng da vú.

nang nguc chet nguoi anh 1

Nữ bệnh nhân được phẫu thuật nâng ngực chỉ với thuốc gây tê. Ảnh minh họa: Pexels.

Khoảng 10 phút sau, ông Hồng dùng dao phẫu thuật tách da dưới vùng vú bên phải thì chị T. kêu đau nên ông Hồng tiếp tục tiêm thêm thuốc Lidocain (thuốc tê, chống loạn nhịp) và pha thêm một giọt Adrenaline tương đương 0,01 ml (gây mê tăng cường) cho đến khi mở được khoang vú bên phải.

Lúc này, ông Hồng tiếp tục dùng dao phẫu thuật mở khoang vú bên trái thì chị T. có biểu hiện suy hô hấp, tím tái trên khuôn mặt, mạch và huyết áp thể hiện trên máy đo điện tử 70/40.

Thấy vậy, ông Hồng nghĩ chị T. bị sốc thuốc nên đã dừng phẫu thuật, cho bệnh nhân thở oxy. Sau đó, chị T. bắt đầu co giật, tăng tiết đờm dãi nên ông Hồng dùng máy hút đờm dãi, đặt ống nội khí quản và bóp bóng thở, truyền 2 chai nước biển cho chị T.

P.T.H.H. (con gái ruột của ông Hồng) từ trên phòng ngủ lầu 2 nghe thấy tiếng rơi đồ nên đi xuống phòng phẫu thuật thì được ông Hồng gọi vào hỗ trợ bóp bóng thở oxy cho chị T.

Đồng thời, ông Hồng tiếp tục tiêm một ống Adrenaline vào đường truyền nước biển và tiêm trực tiếp 2 ống Adrenaline vào vùng tim của chị T. Đến 15h cùng ngày, chị T. tử vong.

Xác định được chị T. quê ở tỉnh Trà Vinh, ông Hồng mượn ôtô của con trai để chở thi thể nạn nhân về quê để bàn giao cho gia đình an táng. Tuy nhiên, khi về đến địa phận Trà Vinh, do không liên lạc được với gia đình của chị T., lo sợ tử thi bị hoại tử, ông Hồng đến trại hòm ở xã Hòa An, huyện Cầu Kè, để nhờ mai táng và lưu giữ thi thể.

Chủ trại hòm này đã trình báo Công an huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Đến khoảng 9h ngày 5/7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Cầu Kè thông báo cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Bình Tân để tiến hành khám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định nguyên nhân chết của chị T.

Nguyên nhân tử vong

Công an quận Bình Tân tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám xét khẩn cấp nơi làm việc của Hồng tại địa chỉ 480/16 Mã Lò, thu giữ trang thiết bị, thuốc, vật chứng có liên quan dùng trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ cho nạn nhân và rà soát camera, ghi lời khai nhân chứng xung quanh.

Kết quả giám định cho thấy nạn nhân tử vong do suy tim cấp, suy hô hấp trên cơ thể có Lidocain.

nang nguc chet nguoi anh 2

Nâng ngực là phẫu thuật loại I, phức tạp, cần ê-kíp chuyên sâu phụ trách và thực hiện tại cơ sở y tế uy tín. Ảnh minh họa: Pexels.

Ngày 18/10/2021, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kết luận ông Phan Đức Hồng vi phạm quy tắc nghề nghiệp gây chết người. Địa điểm 480/16 Mã Lò, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, chưa được cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh.

Đặc biệt, ông Phan Đức Hồng chưa được Sở Y tế phê duyệt cho phép thực hiện kỹ thuật liên quan chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào trên địa bàn TP.HCM. Sở Y tế nhấn mạnh hành vi của ông Hồng là không đúng quy định.

Cơ quan xét xử kết luận hành vi phạm tội của bị can Hồng là nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến chế độ quản lý về dịch vụ y tế của Nhà nước, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của công dân nên cần xử lý nghiêm.

Theo Thông tư 50/2014/TT-BYT ngày 26/12/2014 của Bộ Y tế quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật như sau:

Phẫu thuật nâng vú bằng túi độn ngực (kỹ thuật số 470), là phẫu thuật loại I, khá phức tạp về bệnh lý, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, đòi hỏi người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, phần lớn được thực hiện ở các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trung ương và tuyến tỉnh.

Yêu cầu phải có phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị y tế chuyên dụng. Yêu cầu có số người tham gia phẫu thuật, thủ thuật theo quy định gồm: một phẫu thuật viên chính (PTV), 3 PTV phụ, một gây mê chính, một phụ gây mê; một giúp việc; thời gian thực hiện kỹ thuật trung bình từ 2 đến 3 giờ hoặc lâu hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tử vong sau 7 giờ phẫu thuật nâng ngực không gây mê