Với các clip về trẻ em, giống như clip em bé mặc đồ thỏ trong vụ việc trên, hoàn toàn là do người lớn đăng tải lên. Thông thường, TikTok quy định với các clip trẻ em có nội dung tiêu cực sẽ bị xóa hoặc cấm tài khoản vĩnh viễn (nếu vi phạm quá 3 lần), thế nên các bố mẹ đăng ảnh trẻ đều chỉ quay phía sau hoặc có người lớn vào hình cùng để đảm bảo an toàn cho con. Khi bình luận khiếm nhã trở thành thói quen thì bất kì em bé nào cũng có thể trở thành nạn nhân.
Cha mẹ muốn đưa con hoặc hình ảnh của con lên TikTok không sai nhưng cần lường trước được những hệ lụy sẽ phải đối mặt. Hình ảnh, thông tin cá nhân, sở thích, những thông tin về con sẽ là công khai, được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Bởi vậy, cha mẹ cũng nên cẩn thận hơn khi sử dụng MXH này.
TikTok đã trở thành một công cụ tìm kiếm phổ biến và hấp dẫn đối với người dùng hiện nay, đặc biệt là các trào lưu phổ biến trên MXH. Mọi người không chỉ coi TikTok là một kênh giải trí đơn thuần mà còn là một công cụ để tìm kiếm thông tin, cập nhật xu hướng. Tuy nhiên, bên cạnh thông tin tích cực, mang ý nghĩa thì TikTok cũng góp phần làm lan truyền những clip độc hại, tiêu cực.
Nhiều phụ huynh lo ngại về tác động tiêu cực, hệ lụy nghiêm trọng mà TikTok gây ra đối với đời sống xã hội. Những nội dung sạch không mấy phổ biến nhưng nếu làm clip giật gân với bình luận tiêu cực thì rất dễ được lên xu hướng, lượt người tìm kiếm nhiều hơn. Đây cũng là 1 trong những lý do khiến các bình luận tiêu cực, khiếm nhã lan tỏa mạnh mẽ trên MXH này.
Nhiều phụ huynh khẳng định TikTok cần mạnh mẽ hơn trong các chế tài liên quan tới clip, comment độc hại. Nếu phát hiện những nội dung độc hại cần có biện pháp chế tài thật mạnh. Các mức xử phạt nếu chưa đủ sức răn đe thì cần quy định mức xử phạt cụ thể và nghiêm khắc hơn.
Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh cho rằng bản thân bố mẹ cũng cần quản lý, sát sao và chỉ nên đưa những clip có nội dung tích cực, không gây hiểu nhầm, để không vô tình trở thành miếng mồi béo bở cho kẻ xấu.