Nói về quá trình chuẩn bị hồ sơ apply du học Mỹ hệ Tiến sĩ, Anh Phương cho rằng đó không phải chỉ là kết quả của ngày một ngày hai mà cần có sự chuẩn bị về lâu dài. Cụ thể hơn, cô dành 2-3 năm chỉ để tìm hiểu thông tin về học bổng, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng mềm, cũng như nâng cao thành tích học tập.
Nhờ sự chuẩn bị đầy đủ, trước khi apply học bổng, cô đã đáp ứng được những điều kiện tuyển chọn rất khắt khe, với một số yêu cầu đầu vào cơ bản như: GPA từ 3.2/4 trở lên; sở hữu chứng chỉ TOEFL, GRE/GMAT; có thành tích nghiên cứu khoa học tốt; thể hiện được khả năng lãnh đạo trước hội đồng tuyển sinh.
Bù lại cho những nỗ lực trong những năm tháng đại học, Phương đã trúng tuyển học bổng nghiên cứu sinh tại trường ĐH Purdue (Mỹ) với giá trị 6,7 tỷ đồng cho 4 năm sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tại đây, Phương chọn theo đuổi ngành Công nghệ sinh học, chương trình Tiến sĩ.
Nhờ sự nỗ lực, Anh Phương giành học bổng trị giá 6,7 tỷ đồng cho 4 năm nghiên cứu sinh, chương trình Tiến sĩ của ĐH Purdue
Anh Phương tâm sự: "Mình chọn ngành Công nghệ sinh học vì đây là ngành rất phát triển ở Mỹ với nhiều cơ hội nghề nghiệp, mức đãi ngộ cao. Ngành này cũng phát triển ổn định, không lo bị đào thải theo trend như một số ngành khác".
Anh Phương nhớ lại, quãng thời gian đầu du học Mỹ với cô vô cùng khó khăn. Không có nền tảng tài chính từ gia đình, cô từng phải ăn mỳ tôm sống qua ngày, chọn thuê nhà chỗ rẻ nhất. Thậm chí, trong những lúc nghèo nhất ở Mỹ, cô chỉ có 20 USD (~476 ngàn đồng) trong tài khoản.
Ngoài ra, Anh Phương cũng mất nhiều thời gian làm quen với môi trường học tập của Mỹ bởi cách học và nghiên cứu tại đây khác hoàn toàn ở Việt Nam. Cụ thể, giáo dục Mỹ coi trọng thực hành nhiều hơn. Trên lớp dạy lý thuyết nhưng bài tập thì thiên về thực hành, không có công thức hay câu trả lời mẫu nên sinh viên phải tốn nhiều thời gian đọc sách, suy nghĩ và tìm ra liên hệ giữa lý thuyết trên lớp để áp dụng. Bên cạnh đó, cô còn gặp khó khăn khi nhiều môn phải viết tiểu luận nhiều trang hoặc làm bài tập nhóm.
Sau tất cả, Anh Phương vẫn cố gắng học, đạt nhiều thành tích cao và thậm chí tốt nghiệp bằng Xuất sắc với điểm số 3.81/4. Nhờ đó, Phương đã được nhận được thư mời làm việc từ nhiều công ty ở Mỹ.
Trong quá trình học tập tại nơi xứ người, Anh Phương từng có quyết định táo bạo khi ngừng việc học Tiến sĩ, chỉ lấy bằng Thạc sĩ khi thấy cơ hội làm việc đã đến. Bởi năm 2022, ngành làm việc của Phương nhận được tăng mức đãi ngộ lên đến 40% do sự thiếu hụt lao động trầm trọng.
Nhờ sự nhạy bén với tình hình thị trường và sự chăm chỉ, hiện tại Phương đang làm việc cho một doanh nghiệp lớn về Công nghệ sinh học ở Mỹ, nhận mức thu nhập lên đến 2 tỷ đồng/năm. Khi được hỏi về điều kiện làm việc hiện nay, Phương nói bản thân không muốn chia sẻ quá sâu. Bởi lẽ những công ty cô làm đều có chính sách riêng yêu cầu nhân sự giữ bảo mật cho doanh nghiệp.
"Ở Mỹ, những hoạt động của nhân viên trên mạng xã hội được quản lý rất chặt. Những bài viết như 'Nhân viên Apple bị đuổi việc sau khi quay 30 giây TikTok' hay 'Nhân viên sale ở Gucci bị đuổi việc khi khoe những món đồ nhận được trong ngày đầu đi làm' đều đúng sự thật. Hầu như công ty lớn nào ở Mỹ cũng đều bảo mật như vậy", Phương lý giải thêm.
Anh Phương cho hay: Nhiều công ty Mỹ có những quy định bảo mật thông tin nghiêm ngặt đặt ra cho nhân viên
Được biết, cách đây không lâu, Anh Phương từng nhận được nhiều chú ý khi chia sẻ về câu chuyện của bản thân trên "Flex đến hơi thở cuối cùng" - một nhóm cộng đồng gây bão mạng xã hội thời gian trước. Dưới phần bình luận, rất nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự thán phục trước những thành tích xuất sắc của cô nàng.
Anh Phương cho hay: "Mình thấy bản thân bình thường khi không có bố mẹ giàu hay có siêu xe, nhà cửa gì. Mình đã sống ẩn trên mạng xã hội 3 năm để tập trung học hành và nghiên cứu. Đến khi công việc ổn định mới dám dùng Facebook trở lại, đăng bài 'flex' bản thân. Mình cũng chỉ tính 'flex' cho vui, mong được bạn trẻ nào tài năng vào 'kiến tạo', không ngờ lại nhận được nhiều sự quan tâm đến vậy".
Tiết lộ một điều thú vị, không chỉ Anh Phương mà chồng cô - anh Chance Clark, cũng siêu giỏi giang. Được biết, Clark quen Phương khi anh chàng sang Việt Nam tham gia một chương trình trao đổi sinh viên. Hiện, Clark cũng đang học chương trình Tiến sĩ.
Chia sẻ về dự định tương lai, Phương cho biết rất sẵn sàng về Việt Nam nếu tìm được công việc phù hợp, có mức đãi ngộ tốt cho cả hai vợ chồng. Cô cũng lên kế hoạch cùng chồng về nước, dành ít nhất 1 năm gap year để gia đình tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam.
Ảnh: NVCC