Từng "vật lộn" với hai con trai "đoảng", mải chơi, hay quên, bà mẹ ở Hà Nội áp dụng "mưu kế" 3 bước giúp con thay đổi 180 độ

Hiểu Đan, | 29/11/2023, 14:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Không phải ngay từ đầu, các con của chị Liên đã có tính cách tự lập.

Đang công tác trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời là bà mẹ có nhiều chia sẻ về nuôi dạy con được yêu thích, chị Nguyễn Thị Hồng Liên (Hà Nội) thường xuyên nhận được những thắc mắc từ các phụ huynh. Chẳng hạn: Làm thế nào để em dạy con tự giác học và làm việc nhà? "Các con hay quên việc ở trường, quên làm bài tập, quên đồ, chị từng phải nhắc nhở con suốt ngày nó mới nhớ. Em nhắc con lại bị cô phạt và không dám đi học, giờ em phải làm thế nào?".

Hai con trai của chị Liên vừa học giỏi vừa siêng năng, có trách nhiệm. Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu, hai bé đã có tính cách tự lập như vậy. Đó là một quá trình rèn luyện lâu dài với sự đồng hành của mẹ.

Từng vật lộn với hai con trai đoảng, mải chơi, hay quên, bà mẹ ở Hà Nội áp dụng mưu kế 3 bước giúp con thay đổi 180 độ - Ảnh 1.

Chị Liên và các con

Chị Liên cho biết, các con của chị từng đoảng vô cùng, mải chơi hay quên. Chị đã phải vật lộn đọc, vật lộn bày mưu nghĩ kế để ra được cách rèn con tự chủ. Chị Liên áp dụng 3 cách sau:

1. Việc đầu tiên khi con vào lớp 1, chị bắt đầu dạy con làm to do list (danh sách các việc cần làm)

Ban ngày, các cô ở trường sẽ có quyển vở gọi là Vở nhắc việc, vở hướng dẫn học. Hàng ngày cô sẽ yêu cầu con ghi bài tập và thông báo vào đó. Buổi tối khi về nhà, chị Liên cho con lập danh mục các công việc cần làm to do list. Chị mua 1 cái đồng hồ cho con xem giờ.

Ví dụ: 5 - 6h tối chơi; 6 - 7h tắm, ăn tối; 7 - 7:45 học bài ở lớp; 7:45-8:15 Acellus' 8:15 - 8:45h: Tiếng Anh; 8:45 - 9:00h: Đọc sách. Mới đầu chị viết ra to do list cho con nếu con không biết làm check list như thế nào. Sau 1-2 lần thì con học theo và tự làm to do list theo ý của bản thân.

Bước 1: 6 tuổi là khi con làm xong to do list, thi thoảng chị ngó vào và hỏi xem tiến độ đến đâu. Nếu con không thể tự làm được do còn bé và không tập trung, mẹ sẽ ngồi cạnh hỗ trợ cho đến khi con tập trung. Sau đó chị giao việc và check (kiểm tra) sau 10p, rồi tăng thời gian lên 15p check tiến độ và 20, 25, 30p... Sau khi con lên lớp 3 thì tầm 90p chị mới check 1 lần.

"Các mẹ lưu ý không thể cứ giao to do list là con làm được mà phải rèn con ngồi tự giác 5p, 10p, 15p, 20p, 30p, 60p và 90p, 180p. Và để rèn được như vậy mình bắt đầu từ khi con 4 tuổi, đến hết năm lớp 3 con mới tự giác học được 2h mà không cần mẹ. Các mẹ đừng mong giao phát là con làm được ngay.

Mình thấy nhiều mẹ con vào học lớp 1, về nhà học không tập trung, không chịu học, các mẹ cứ kêu stress vì con. Nhưng các mẹ đâu biết kỹ năng tự làm việc đó phải rèn mới có, các mẹ và cô chưa rèn thì sao lại đòi hỏi con phải có ngay kỹ năng tự học. Và lại đổ quay ra giận, mắng, đánh con. Việc quan trọng nhất là kiểm tra kết quả của con. Thường làm xong việc nào mình sẽ kiểm tra kết quả luôn việc đó và khen ngay nếu con làm tốt và mình ít chê lắm vì con còn bé mà. Bên cạnh lời khen thông thường, mình có quy định thưởng phạt rõ ràng khi làm được hoặc không làm được", chị Liên chia sẻ,

Nhiều người thắc mắc nếu con không làm xong bài tập, con quên việc cô dặn và bị cô mắng thì sao. Chị Liên cho biết mình thường không bao giờ nhắc việc ở trường cho con vì nếu nhắc lần sau con sẽ không nhớ. Tuy nhiên khi con quên gì chị sẽ biết vì chị có kiểm tra check list. Tuy nhiên chị có gọi điện báo cô, báo rằng: "Hôm nay em biết con quên bài và quên việc... Nhưng em không nhắc con vì em muốn con tự chịu phạt để nhớ việc. Hôm nay cô trao đổi giáo dục con giúp em nhé".

Việc này sẽ để con tự chịu hậu quả do không nhớ hoặc không xong việc và việc của con mẹ không bao giờ lo hộ, việc con, con không làm con tự chịu hậu quả. Ngoài ra khi báo cô là cô biết mẹ này rất sát sao với con và mẹ muốn dùng cách để cô dạy con tự giác.

"Nếu con học trường công mình hay gặp cô trao đổi một cách tôn trọng về cách mình dạy con tự chủ để cô hiểu và thông cảm (con mình có học 2 năm trường công, cô giáo con rất tuyệt và phối hợp với mình dạy con cũng rất tuyệt luôn)", bà mẹ này chia sẻ.

Bước 2: Sau khi con thạo làm to do list cho các buổi tối, chị cho con tự lên lịch hoạt động ngày thứ 7 và Chủ nhật.

Để lên lịch cuối tuần này là rất khó. Các con phải tự chủ học gì, chơi gì, ở đâu, ăn gì,học thêm gì lúc đó mới có thể lên lịch cả ngày. Mới đầu chị cũng lên lịch mẫu cho con, rồi hỏi con muốn điều chỉnh gì, sau đó con học theo và tự lên lịch sau.

Ví dụ: 9 -10:30: Đi ăn sáng với bố mẹ; 10:30 -11:30: Ở nhà sách; 11:30-12:30: Ăn bún chả ngoài phố; 12:30 - 14:00: ngủ trưa; 14-16h: Đi bơi/ dọn nhà; 16h-18h: Đi chợ và nấu ăn với bố mẹ; 18h-20h: Ăn tối và xem phim với bố mẹ; 20h-21h: Chơi bóng rổ với các bạn dưới sân tập.

Mới đầu chị trợ giúp lên lịch và hỗ trợ làm cùng cuối tuần. Khi con trai lớn lên lớp 6, chị cho con tự bắt xe Grab Bike đi chơi, đi học, tự đi chợ nấu ăn cho bố mẹ.

Với 2 bước này chị Liên luôn kiểm soát kết quả nên các con không thể không làm. Còn nếu làm nhanh tranh thủ xem tivi chị sẽ cho qua, coi như làm nhanh được thưởng tự chơi, xem tivi, chơi game.

2. Hỏi ý kiến và cùng thảo luận với con

Ngoài việc dạy con lên todo list và làm việc theo to do list, để con tự chủ chị Liên còn hay hỏi ý kiến con và cùng thảo luận với con để dung hòa giữa mong muốn của con và của bố mẹ. Chị không hay áp đặt con phải làm thế này hay thế kia hay phải làm theo cách này hay cách kia mới đúng.

Vì con hay tự quyết và tự ra quyết định nên lâu ngày con mới thành người tự chủ. Do đó nếu từ bé làm gì bố mẹ cũng ra lệnh, áp đặt, yêu cầu rồi sau đó đến lớp 6 than là giờ con lười, ỉ lại, chống đối thì là bố mẹ sai. Bố mẹ không cho con tự quyết thì làm sao con tự chủ được, lúc lớn cho tự chủ thì kỹ năng tự chủ mới bằng trẻ lớp 1 thì làm sao mà tự chủ.

3. Nguyên tắc: Miễn không làm hại thân thể, luôn tôn trọng pháp luật và người khác thì cái gì con cũng được làm

Ngoài việc giao todo list, giao con tự quyết thì chị Liên có chia sẻ nguyên tắc: Miễn không làm hại thân thể, và luôn tôn trọng người khác và pháp luật thì cái gì con cũng được làm. Với cả quá trình từ nhỏ chị uốn nắn, động viên khuyến khích, cho con tự quyết trên nền tảng tôn trọng mọi người thì cuối cùng đến năm lớp 6-7 con tự điều phối được mọi việc. Chỉ cần nhớ là mẹ phải quyết tâm, bố mẹ phải sắt đá nhưng lại phải tinh tế trong việc động viên con.

Bài liên quan
8 biểu hiện ở trẻ chứng tỏ cha, mẹ đã dạy con rất tốt
Nếu con bạn có cả 8 dấu hiệu này thì xin chúc mừng, bạn chính là cha, mẹ "nhà người ta" mà mọi đứa con đều mơ ước.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từng "vật lộn" với hai con trai "đoảng", mải chơi, hay quên, bà mẹ ở Hà Nội áp dụng "mưu kế" 3 bước giúp con thay đổi 180 độ