Tuổi trẻ Học viện Quân y xung kích, hết dịch mới về

Phương Thảo | 16/09/2021, 10:11
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTD) - Phạm Tuấn Thành – sinh viên năm 4 của Học viện Quân Y đã tình nguyện vào “chiến trường” miền Nam với tinh thần "hết dịch mới về".

240867916_997207394187328_5178820014113294612_n.jpg
Phạm Tuấn Thành ( người thứ 3 từ phải qua trái) trên đường tham gia chống dịch. (ảnh NVCC)

Cuộc chiến vì sức khoẻ nhân dân

Cuối tháng 8, Học viện Quân y (HVQY) tổ chức Lễ xuất quân tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch (PCD) Covid - 19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Thời điểm đó, hơn 2000 bác sĩ tham gia chống dịch thành F0. Hàng nghìn học sinh rơi vào cảnh mồ côi do Covid-19...

“Khi biết tin được vào Nam tham gia chống dịch thì không khí của chúng tôi trở nên sôi sục. Tất cả đã sẵn sàng và nhiệt huyết. Mọi người không hề căng thẳng hay lo lắng dù biết chuyến đi này sẽ vất vả”, Tuấn Thành chia sẻ

Dẫu biết rằng "trận đánh" chưa biết hồi kết nhưng Tuấn Thành vẫn tình nguyện. Anh đi với quyết tâm bao giờ hết dịch thì mới trở về. Khẩu hiệu đề ra là: “Chiến sĩ quân y sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân”.

HVQY đã chia hơn 2000 người tham gia tình nguyện về các trạm y tế lưu động. Các đội tình nguyện này tham gia điều trị tại nhà và bệnh nhân F0 có bệnh lý nền. Việc này nhằm giảm tải sức ép đối với các bệnh viện tuyến trên.

Đội tình nguyện cũng có trách nhiệm hướng dẫn cho người dân cách điều trị tại nhà và thăm khám cả cho các bệnh nhân có các bệnh lý khác.

240970626_1866534170190683_557499789776715604_n.jpg
Các chiến sĩ chống dịch tại Tp Hồ Chí Minh (ảnh NVCC)

Làm hết việc chứ không làm hết giờ

Thời điểm số ca nhiễm tăng cao, y bác sĩ tại các bệnh viện và trạm y tế hoạt động hết công suất vẫn không thể đáp ứng. Đó là lúc Tuấn Thành cùng các đồng đội đã phải chia nhau túc trực 24/24 tại Trạm y tế lưu động Phường 7 Quận Gò Vấp để kiểm soát dịch bệnh.

Nhiều thời điểm, trạm của Thành cũng chỉ có một số thuốc cơ bản như hạ sốt, vitamin,... Các thuốc điều trị triệu chứng khác phần lớn người dân vẫn phải đặt mua và thanh toán tiền cho nhà thuốc.

Nhưng không ít bệnh nhân Covid đã “kiệt quệ” khi phải chống dịch trong 1 khoảng thời gian dài. Vậy nên họ không đủ khả năng để mua thuốc. Tuấn Thành đã dùng tiền cá nhân để hỗ trợ mua thuốc cho bệnh nhân. Anh cũng đăng tải các bài viết kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ thuốc và đồ bảo hộ để cấp miễn phí cho người dân.

Với sự nỗ lực ấy, tại Trạm y tế lưu động Phường 7 Quận Gò Vấp đã có thuốc điều trị miễn phí cho hơn 150 F0. Hành động của Thành và các đồng đội đã góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân F0 diễn biến nặng tại nhà và số ca tử vong của thành phố.

240494800_1868149100029190_2779775597709885643_n.jpg
Tuấn Thành nhận sự hỗ trợ của mạnh thường quân (ảnh NVCC).

Tuấn Thành cho biết, nhiều tình huống khó khăn đã xuất hiện. Nhưng vì xuất phát từ môi trường Quân đội nên anh và các đồng đội đều đã vượt qua. Không ít lần nửa đêm người nhà bệnh nhân liên hệ, anh cùng đồng đội nhanh chóng đến thăm khám.

“Các y bác sĩ ở đây luôn xác định là làm hết việc chứ không làm hết giờ. Vậy nên có những đêm phải làm việc từ 2h đêm tới 4 giờ sáng”, Tuấn Thành chia sẻ.

Không ít lần Thành và các đồng đội đã góp phần cứu được bệnh nhân “thập tử nhất sinh”. Anh kể: “Có bệnh nhân nữ 60 tuổi, tiền sử rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não, test nhanh dương tính ngày 27/8. Đến ngày 31/8 mình chỉ định chuyển tuyến nhưng gia đình xin tiếp tục điều trị tại nhà. Mình cho dùng gói B và các thuốc điều trị triệu chứng, thở oxy. Hàng ngày hỏi thăm qua Zalo và kiểm tra sức khỏe tại nhà, hướng dẫn tập thở cai oxy, động viên ăn uống và tập vận động. Đến ngày 9/9 test nhanh âm tính lần 1. Hiện nay bệnh nhân đã hết triệu chứng, sức khỏe ổn định”.

Tuan Thanh
Tuấn Thành trao thuốc hỗ trợ cho người dân Phường 7, Quận Gò Vấp (ảnh NVCC)

Mỗi ngày đều như bước ra từ mưa bão!

Công việc bận rộn hàng ngày khiến những bữa cơm không đúng giờ thành thường xuyên. Tuấn Thành chia sẻ, mỗi ca trực, mọi người phải xử lý hàng trăm ca bệnh khác nhau. Cả kíp trực hộ trợ người dân cách điều chỉnh oxy đang điều trị tại nhà. Kết nối cơ sở y tế gần nhất để điều trị cho người bệnh tại cộng đồng. Cập nhật thông tin về bệnh nhân cho người nhà của họ, giúp họ ổn định tâm lý… Kết thúc ca trực, khi cởi bộ đồ bảo hộ, ai nấy đều ướt sũng như vừa đi ra từ trong mưa bão.

Với tinh thần “người trong một nước phải thương nhau cùng”, các bác sĩ ấy đã xả thân ngày đêm tham gia cứu chữa bệnh nhân, giúp nhiều bệnh nhân vượt qua những thời điểm nguy kịch để trở về với cuộc sống bình thường. Tuấn Thành nói về niềm lớn nhất: “Khi mới vào đây, anh được phân công tiếp nhận 42 bệnh nhân F0 đang được điều trị tại nhà. Cho đến giờ niềm vui lớn nhất có thể kể đến là anh đã “giải phóng” được 20 F0 trở thành âm tính”.

Mong những cống hiến hết sức lực của Tuấn Thành và đồng đội cũng như các y bác sĩ sẽ có thể đưa miền Nam thoát khỏi tâm bão của dịch bệnh, đem về cho Sài Gòn những “ngày nắng” ấm áp.

Bài liên quan
Sáng 16/9, Hà Nội chỉ phát hiện thêm 1 ca mắc Covid-19
Sáng 16/9, Hà Nội chỉ phát hiện 1 ca mắc Covid-19 ở khu cách ly. Bệnh nhân ngụ tại quận Hoàng Mai.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuổi trẻ Học viện Quân y xung kích, hết dịch mới về