Do vậy, nếu cứ để “nở rộ” kì thi riêng, có khi mọi thứ cũng chỉ xoay quanh câu chuyện “tranh thủ” tuyển sinh chứ chưa hẳn vì chất lượng.
PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng, căn cứ vào Quyết định số 4068 của Bộ GD&ĐT thì Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 cơ bản đã rõ. Tuy nhiên, năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 nên vẫn cần có “bước chuyển tiếp” để đảm bảo quyền lợi cho người học, tránh “gây sốc” cho các bên liên quan.
Học sinh Kon Tum tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh của ĐH Đà Nẵng tổ chức. |
PGS.TS Võ Văn Minh đề xuất Kỳ thi chung dùng để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học nên gọi chung. Kỳ thi này cần phải được thiết kế bài bản để làm cơ sở đo lường chuẩn mực nhất. Thang điểm nên lấy 100 và đề thi phải đảm bảo mức độ phân hóa rất cao. Chỉ cần 500 điểm là mức trung bình để xét tốt nghiệp; 500 điểm còn lại phân hóa đến hàng đơn vị để làm cơ sở phân loại và tuyển chọn chất lượng.
Ngoài ra, tổ hợp xét tuyển nên được quy định thống nhất. Về năng lực chuyên biệt như năng khiếu hay đặc thù nghề nghiệp, các trường có thể kết hợp thi tuyển, hay dựa vào học lực, bài luận hoặc thư giới thiệu… Hạn chế những kì thi có cùng tính chất như Kỳ thi tốt nghiệp THPT, để giảm chi phí xã hội cũng như gây thêm lo lắng, áp lực cho người học; thậm chí tránh các trường hợp lợi dụng ôn thi, luyện thi tràn lan, dễ phát sinh tiêu cực.
PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng, xét tuyển đại học cần thống nhất và cần sự quản lý nhà nước; không nên để cạnh tranh “tự do” trong giáo dục và đào tạo. “Hiện nay, dữ liệu của ngành GD&ĐT cơ bản đảm bảo; công nghệ số đã hỗ trợ rất tốt, nên công tác tuyển sinh cần minh bạch hóa, chẳng hạn tình trạng “đặt cọc” nhập học cần phải được chấn chỉnh” – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng đề xuất.
PGS.TS Võ Văn Minh: "Chọn ngành, chọn trường để học cũng là chọn tương lai, là một hình thức đầu tư, do vậy vấn đề này cần phải được xem là nhiệm vụ quan trọng ở khía cạnh quản lí nhà nước. Thông tin chính xác về chất lượng, minh bạch về học phí… cần phải được chuyển tải rộng rãi và chính thống từ kênh của cơ quan quản lí nhà nước. Nhà nước “giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học” là rất hợp lí, nhưng không có nghĩa để “tự do” cho một số cơ sở tuyển sinh như cách doanh nghiệp “huy động vốn”.