Tuyển sinh vùng cao, giáo viên vượt suối, băng rừng đón trò ra lớp

28/08/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trái với nhiều TP quá tải HS, đội ngũ GV tại huyện vùng cao, biên giới (Thanh Hóa) phải lặn lội vào tận bản xa, hẻo lánh… để vận động trò ra lớp...

“Vào những ngày trời nắng ráo, các cô từ ngoài trung tâm thị trấn đi xe máy vào điểm trường, với khoảng hơn 20km. Đến cuối ngày, các cô lại chạy xe máy trở về với gia đình, vì đa số đang nuôi con nhỏ”, cô Giang chia sẻ.

Có thể nói, giáo viên “cắm bản” ở các huyện vùng cao, biên giới Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa vẫn hằng ngày đối mặt với những hiểm nguy rình rập. Có điểm trường dù xe máy vào được đến nơi, nhưng cung đường rừng, đèo dốc, khúc khuỷu, trơn trượt, lầy lội mỗi khi trời mưa... là những mối nguy hiểm trực chờ.

Dù vậy, lòng yêu nghề, tình thương dành cho học trò đã tiếp sức cho các thầy cô. Có những tình huống biết là vô cùng khó khăn, nhưng nếu nhà giáo “chùn bước” thì những đứa trẻ ở vùng sâu, xa, hẻo lánh, khó khăn... sẽ thất học.

Cô Giang bộc bạch, tâm nguyện thì rất nhiều, nhưng đôi khi các cô giáo của trường “lực bất tòng tâm”. Trước mắt, nhà trường mong muốn cơ sở vật chất ngày càng khang trang, để có điều kiện nuôi dạy, chăm sóc trẻ tốt hơn. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục để trẻ được học tập trong môi trường an toàn, thân thiện, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc.

Tuyển sinh vùng cao, giáo viên vượt suối, băng rừng đón trò ra lớp ảnh 3
Thầy giáo Trường PTDTBTTHCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đi vận động HS đến trường.

Nỗ lực vì trò

Trường Mầm non Tam Chung có 7 điểm trường, một điểm đặt tại trung tâm xã và 6 điểm lẻ đặt tại các bản. Tam Chung là xã thuần nông, người dân chủ yếu làm nương rẫy và phụ thuộc vào thiên nhiên là chính. Địa hình rất phức tạp, việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

“Trong những năm qua, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, cơ quan chức năng, ban, ngành đoàn thể. Bên cạnh đó, được sự ủng hộ nhiệt tình của các bậc phụ huynh đóng góp ủng hộ, phối hợp với nhà trường trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.

Nâng cao chất lượng toàn diện là mục tiêu phấn đấu của nhà trường thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động số trẻ trên địa bàn ra lớp, đóng góp kinh phí xây dựng cải tạo cơ sở vật chất có hiệu quả...”, cô Giang tâm sự.

Tuy nhiên, do nhà trường có tới 7 điểm lẻ, địa hình rộng, sự phân bố dân cư không đồng đều, các điểm trường còn cách xa nhau. Vì vậy, có những khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn cũng như đầu tư về cơ sở vật chất. Trang thiết bị, đồ chơi, đồ dùng, tranh ảnh trực quan, đồ dùng dạy học chưa đáp ứng với yêu cầu của phổ cập.

Để “kéo trẻ” đến lớp học mầm non, giáo viên phải lặn lội vào các bản Ón, Suối Phái, Suối Lóng… những buổi chiều muộn. Bởi, nếu vào ban ngày, cha mẹ của trẻ lên nương rẫy đi làm, không thể gặp và nói chuyện được.

“Nhiều gia đình không muốn đưa trẻ tới trường khi đang nhỏ tuổi. Đặc biệt, thời gian trước, khi điểm lẻ ở bản Ón chưa tổ chức ăn bán trú được, lại càng khó vận động hơn. Rất may, điểm trường xa xôi, khó khăn nhất này đã tổ chức được bữa ăn bán trú, đó là điều chúng tôi rất mừng và cảm thấy hạnh phúc”, cô Giang bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát cho biết, ở huyện biên giới xa xôi, khó khăn này còn rất nhiều điểm trường lẻ mầm non và tiểu học rất khó khăn. Vì vậy, để huy động trẻ ra lớp đạt 100%, hay học sinh đầu cấp đạt yêu cầu, đang là vấn đề nan giải.

“Các thầy, cô giáo từ cấp THCS xuống bậc học mầm non đều phải tranh thủ trong thời gian nghỉ hè, thậm chí những buổi chiều muộn lặn lội đến các bản xa xôi, hẻo lánh, cách trường chính hàng chục km đường rừng để vận động phụ huynh cho trẻ và HS đến trường.

Do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn nên học sinh ở đây rất thiệt thòi. Các trường PTDTBTTHCS có chế độ cho học sinh nên cũng đỡ đi phần nào. Còn các trường mầm non trên địa bàn huyện tổ chức được những bữa ăn bán trú cho trẻ, là một sự cố gắng, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ giáo viên mầm non”, bà Thúy nói.

Gia đình ông Sùng A Pó, ở bản Khằm 2 (Trung Lý) có 2 con gái là Sùng Thị Dính (năm nay lên lớp 7) và Sùng Mai Giang (vào lớp 6). Khi thấy thầy giáo vào tận nhà động viên cho con đến trường đúng thời gian quy định trước năm học, ông Pó vui vẻ đồng ý.

“Cảm ơn các thầy, cô giáo và nhà trường nhiều lắm. Cháu Mai Giang mới học xong lớp 5, chưa xa nhà bao giờ cả, nên rụt rè. May có thầy giáo lặn lội đến tận nhà động viên, rồi chị gái cháu cũng kể về điều kiện ăn, ở học tại trường, nên cháu có phần mạnh dạn hơn. Vợ chồng tôi luôn động viên các con hãy cố gắng mà học cái chữ cho thật tốt, để sau này có cơ hội thoát nghèo”, ông Sùng A Pó tâm sự.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tuyen-sinh-vung-cao-giao-vien-vuot-suoi-bang-rung-don-tro-ra-lop-post650983.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tuyen-sinh-vung-cao-giao-vien-vuot-suoi-bang-rung-don-tro-ra-lop-post650983.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyển sinh vùng cao, giáo viên vượt suối, băng rừng đón trò ra lớp