Tên của ông không xuất hiện trên bất kỳ tòa nhà nào trong số 1.000 tòa nhà ở năm châu lục mà ông đã tài trợ 2,7 tỷ USD. Các khoản tài trợ cho các tổ chức và cá nhân được thanh toán bằng séc thủ quỹ để che giấu nguồn gốc. Những người thụ hưởng được thông báo rằng số tiền này đến từ một “khách hàng” hào phóng muốn giấu tên.
Tỷ phú Charles F. Feeney kiếm được phần lớn tài sản sau khi đồng sáng lập công ty kinh doanh hàng miễn thuế Duty Free Shoppers (DFS) vào năm 1960. Vào đầu những năm 1980, người đàn ông này đã đầu tư 35 triệu USD vào các khách sạn, bất động sản, cửa hàng bán lẻ, công ty may mặc và rất nhiều các start-up công nghệ. Ở tuổi 50, ông đã sở hữu những ngôi nhà ở New York, London, Paris, Honolulu, San Francisco…
Thế nhưng, tại thời kỳ đỉnh cao của danh vọng, ông Feeney bắt đầu nghi ngờ ‘quyền được giàu có’ của mình, theo đoạn trích trong cuốn “The Billionaire Who Wasn’t”. Ông đã rút lui khỏi các tổ chức giàu có. Ông chuyển sang bay hạng phổ thông, mua quần áo giá rẻ và không còn lui tới những nhà hàng sang trọng nữa, thậm chí ông bán xe và bắt đầu di chuyển bằng xe buýt, tàu điện ngầm.
Năm 1982, ông Feeney thành lập quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies và bí mật chuyển toàn bộ tài sản kinh doanh cho quỹ 2 năm sau đó. Vào năm 2020, quỹ này đóng cửa sau khi tuyên bố cho đi toàn bộ 8 tỷ USD. Trong thời kỳ hoạt động tích cực, Atlantic Philanthropies có hơn 300 nhân viên và 10 văn phòng toàn cầu.
Tạp chí Forbes không tiếc lời ngợi ca và gọi Charles F. Feeney là ‘James Bond của giới từ thiện’. Năm tháng cuối đời, ông chọn sống trong căn nhà thuê tại San Francisco, đeo đồng hồ 10 USD và đặc biệt thích đi xe buýt.
Những người từng có cơ hội ghé thăm ngôi nhà của tỷ phú Chuck Feeney miêu tả không gian sống của vợ chồng ông giản dị như phòng của ký túc xá sinh viên. Nội thất đơn giản, phòng khách chỉ có chiếc bàn gỗ đơn sơ để tiếp khách cùng vài bức ảnh gia đình treo trên tường. Trên bàn đặt ngăy ngắn chiếc kỷ niệm chương nhỏ ghi dòng chữ: ‘Xin chúc mừng Chuck Feeney đã quyên góp 8 tỷ USD’.