Cả U22 Việt Nam và U22 Thái Lan đã trở thành nạn nhân từ các cú ném biên của cầu thủ Indonesia. Vậy cơ sở khoa học nào cho việc đội bóng này dám ném biên thẳng vào vòng cấm? Bên cạnh sở hữu những cầu thủ có lực tay rất khỏe, họ còn căn cứ vào việc chính các quả ném biên có tỷ lệ chuyển hóa thành bàn cao hơn so với đá phạt.
Một nghiên cứu tại Premier League công bố hồi tháng 3 bởi tờ The Athletic cho thấy cứ trung bình 1000 cú ném biên vào vòng cấm lại có 22 bàn thắng được ghi, và trung bình các bàn thắng được ghi trong tầm 30 giây sau cú ném. Brentford đặc biệt hiệu quả khi thống kê cho thấy 53% số cú ném biên của họ vào vòng cấm đối phương được chuyển thành cú dứt điểm.
Ném biên là chiến thuật rất hiệu quả mà U22 Indonesia sử dụng ở SEA Games
Các HLV Indonesia có lý do để học hỏi chiến thuật này, bởi bên cạnh có cầu thủ ném biên lực tay khỏe, họ còn có thể tận dụng sự cơ động trong di chuyển của các cầu thủ tấn công vòng cấm. Anh không phải lo mắc lỗi việt vị khi ném biên, và khi bóng đã được ném vào một khu vực đông người với độ nảy khó lường thì điều gì cũng có thể xảy ra.
Giá trị của các cú ném biên còn ở chỗ kể cả nếu đối phương phá được bóng, lực cú ném ban đầu khác với một quả đá phạt và do đó người phá phải lấy hết sức mới có thể phá được ra xa. Điều đó tạo cơ hội cho đội tấn công có thể tận dụng các tình huống bóng bật ra, tình huống bóng 50/50 và các pha dứt điểm tuyến hai.
U22 Indonesia chỉ cần có thế, sự hỗn loạn trong vòng cấm từ các cú ném biên là điều họ muốn tạo ra.
Màn ăn mừng đặc biệt
Cứ sau mỗi bàn thắng của U22 Indonesia là các cầu thủ lại chạy về phía nhau ăn mừng, trước khi đồng loạt cùng với ban huấn luyện ngoài đường pitch quỳ rạp xuống đất vái lạy. Đây là một màn ăn mừng khác thường so với các đội bóng khác, nhưng không có gì lạ với một đất nước đa số theo đạo Hồi.
Tập tục Sujud của các thành viên tuyển U22 Indonesia
Động tác quỳ lạy này có tên gọi “Sujud” trong tiếng Arab, là hành động cúi rạp người quỳ lạy để cảm tạ thánh Allah trong khi hướng người về phía thánh địa Mecca. Động tác này không phải là quỳ lại đơn thuần: trán, mũi, hai bàn tay, hai đầu gối và các đầu ngón chân đều phải chạm đất, ngoài ra cùi chỏ phải để xa người nhất có thể. Khi đã quỳ xuống, tín đồ sẽ nói những lời tôn vinh thánh Allah, hoặc tạ lỗi nếu làm điều sai trái.
Chúng ta có thể thấy màn ăn mừng này ở rất nhiều cầu thủ theo đạo Hồi trên thế giới như Mohamed Salah hay Sadio Mane. Và trái với sự lầm tưởng của nhiều người, khi thực hiện "Sujud" các cầu thủ không hôn lên mặt cỏ.
“Đặc sản” sẵn sàng "chơi rắn"
Cuộc ẩu đả giữa U22 Thái Lan với U22 Indonesia chỉ là chương mới nhất trong những vấn đề của bóng đá Indonesia. Nó để lại ấn tượng xấu cho một số đội bóng Indonesia, nhưng xem ra kỳ SEA Games này họ đã "lành" hơn so với mọi khi và tập trung vào chuyên môn hơn thay vì "đá rắn" đua với đối thủ.
Những cuộc hỗn chiến đã xảy ra ở trận đấu của bóng đá Indonesia
Kết thúc SEA Games 32, U22 Indonesia đã bị 9 thẻ vàng và 6 thẻ đỏ (tính cả thẻ cho thành viên ban huấn luyện). Số thẻ của họ chủ yếu rơi vào trận chung kết có tính căng thẳng cao, nhưng khi không tính chung kết thì chỉ số thẻ của U22 Indonesia là 4 thẻ vàng - 1 thẻ đỏ, thẻ đỏ đến ở trận gặp U22 Việt Nam.
Đây là một sự lành tính tương đối so với SEA Games 31 khi U22 Indonesia mắc tới 14 thẻ vàng & 6 thẻ đỏ, ở giải đó thực tế có tới 5 thẻ vàng và 3 thẻ đỏ đến chỉ ở trong một trận gặp Thái Lan ở bán kết. Tức khi trừ trận đó đi thì U22 Indonesia vẫn có tới 9 thẻ vàng & 3 thẻ đỏ.
Do đó so với tiêu chuẩn của chính họ từ kỳ SEA Games 31 nói riêng, U22 Indonesia đã tiến bộ và chơi "sạch" hơn dù phong cách "đá rắn" vẫn còn. Hai kỳ SEA Games vừa qua cũng chỉ có Thái Lan là khiến các cầu thủ Indonesia nổi giận, và có lẽ khả năng kiềm chế tốt lần này đã góp phần giúp họ vô địch.