Theo đánh giá của một số chuyên gia, giống như dầu mỏ, có thể chính các nước cấm vận Nga sẽ vẫn quay về nhập khẩu vàng của Nga nhưng với một nguồn gốc khác.
Louis Marechal, một chuyên gia tìm nguồn cung ứng vàng tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết có nguy cơ vàng của Nga có thể bị nấu chảy và đúc lại, sau đó tìm đường quay trở lại thị trường Mỹ và châu Âu.
“Nếu vàng của Nga đến, được đúc lại bởi một nhà tinh chế địa phương, được cung cấp bởi một ngân hàng hoặc thương nhân địa phương và sau đó được bán ra thị trường, thì bạn sẽ gặp rủi ro... Đây là lý do tại sao việc thực hiện thẩm định là công cụ cho những người mua cuối muốn đảm bảo rằng họ tôn trọng các chế độ trừng phạt" - ông Marechal nhận định.
Reuters dẫn lời người quản lý của một công ty đã vận chuyển một lượng lớn vàng của Nga đến UAE cho biết, các công ty Nga đã bán vàng thỏi ở đó với mức chiết khấu khoảng 1% so với giá chuẩn toàn cầu, nhằm khuyến khích giao dịch.
Người quản lý giấu tên cho biết phần lớn số vàng mà công ty của ông vận chuyển đến UAE được dành cho các nhà máy kim hoàn, nơi nó sẽ được nấu chảy và đúc lại.
Hiện UAE phản hồi tin tức độc quyền này của Reuters với thái độ khách quan. Ủy ban vàng thỏi của chính phủ UAE cho biết nhà nước hoạt động với các quy trình rõ ràng và mạnh mẽ chống lại hàng hóa bất hợp pháp, rửa tiền và các thực thể bị trừng phạt.
"UAE sẽ tiếp tục giao dịch cởi mở và trung thực với các đối tác quốc tế của mình, tuân thủ tất cả các quy tắc quốc tế hiện hành do Liên Hợp Quốc đặt ra" - tuyên bố cho biết.
UAE từ lâu đã có một ngành công nghiệp vàng phát triển mạnh. Dữ liệu thương mại cho thấy nước này đã nhập khẩu trung bình khoảng 750 tấn vàng nguyên chất mỗi năm từ năm 2016 đến năm 2021 - có nghĩa là các lô hàng trong hồ sơ của Nga sẽ chỉ chiếm khoảng 10% lượng nhập khẩu của nước này.