“Họ không nghĩ chúng ta tấn công với tốc độ như vậy, khi đi trên Mastiff”, một lính thủy đánh bộ Ukraine chia sẻ sau khi Lữ đoàn 35 tiến vào Makarivka. Đây chính xác là cách người Mỹ triển khai chiến dịch sấm sét đầu tiên năm 2003.
“Đêm hôm trước, Schwartz đã giao việc cụ thể cho người của mình phải duy trì tốc độ 15 km/giờ, với khoảng cách giữa các xe là 50m”, Thiếu tá Thủy quân lục chiến Mỹ Jonathan Peterson viết trong luận án năm 2017.
“Những người lái xe được yêu cầu duy trì khoảng cách và tốc độ nghiêm ngặt này để ngăn đối phương bắn vào phần phía sau dễ bị tổn thương của xe tăng. Tất cả xạ thủ và chỉ huy xe có nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu đối phương trong tầm quan sát của họ, sau đó chuyển nhiệm vụ cho xe chạy sau. Nó sẽ là một cột lửa xuyên thủng hàng phòng thủ của đối phương trong một trận chiến 360 độ”, Peterson viết thêm.
Cuộc di chuyển sấm sét đó được tái hiện sau 20 năm, khi lực lượng vũ trang Ukraine học hỏi từ quá khứ và áp dụng các chiến thuật cũ vào một cuộc chiến tranh mới.
Những biến số
Chiến thuật đó chỉ hiệu quả trong một số điều kiện cụ thể. Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 35 đang tấn công dọc theo một trong những trục được phòng thủ sơ sài hơn. Nếu họ gặp phải bãi mìn, họ có thể rơi vào tình cảnh như khi Lữ đoàn xung kích cơ giới số 33 và 47 vấp phải bãi mìn dày đặc ở ngay phía Nam làng Mala Tokmachka, cách thành phố Makarivka 40 dặm về phía Tây.
Mìn không phải mối nguy hiểm duy nhất mà Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 35 phải đối mặt khi triển khai chiến dịch tấn công sấm sét ở miền Nam. Vì cuộc chạy sấm sét phụ thuộc vào khả năng tấn công gây sốc, và tác động của những cú sốc đó đối với khả năng phân tán lực lượng của đối phương, thậm chí một số tổn thất về phương tiện cũng có thể khiến cuộc chạy phải dừng lại và hứng tổn thất thảm khốc.
Đó là sự cố xảy ra với người Mỹ năm 2003. Trong cuộc tấn công sấm sét đầu tiên, một rốc-két của Iraq khiến một trong những chiếc xe tăng M-1 của Mỹ bất động. Lực lượng đặc nhiệm mất khoảng nửa giờ để khởi động lại chiếc xe tăng này, khiến cả đội mất tinh thần.
Schwartz cuối cùng chỉ đạo cả đội từ bỏ chiếc xe tăng và tiếp tục di chuyển. Quyết định đó có thể đã cứu chiến dịch khỏi nguy cơ thất bại. Người Ukraine có thể cũng phải đưa ra quyết định tương tự nếu gặp phải sự cố. Việc bỏ lại một số xe tăng hoặc xe tải cũng là cái giá đáng trả để duy trì đà tiến về phía trước.
Với tốc độ di chuyển của Lữ đoàn thủy quân lục chiến 35 hiện nay, trục sông Mokri Yaly có thể là một trong những khu vực hứa hẹn hơn cả ở mặt trận phía Nam đối với lực lượng Ukraine, nhất là nếu các lữ đoàn bộ binh không thể vượt qua làng Mala Tokmachka.
Kiev được tin là đang dự bị khoảng nửa tá lữ đoàn để chờ thời cơ triển khai khi các nhóm đi đầu có thể tạo ra khoảng trống lớn nhất trong hệ thống phòng thủ của Nga. Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 35 càng kéo dài cuộc tấn công sấm sét của mình thì càng nhiều khả năng các chỉ huy Ukraine sẽ gửi thêm lữ đoàn bám theo cùng một trục.
Theo Forbes