Bộ Quốc phòng Nga nói mục tiêu trong các đợt tập kích là cơ sở quân sự, kho vũ khí, nhà máy sản xuất tên lửa và UAV ở Ukraine.
Theo các chuyên gia, mục đích thực sự trong loạt cuộc tập kích của Nga không đơn giản là như vậy. "Các cuộc tập kích nhằm thử sức mạng lưới phòng không mà Ukraine đã xây dựng trong nhiều tháng", Mick Ryan, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
So với năm 2022, năng lực phòng không của Ukraine đã được cải thiện đáng kể nhờ các hệ thống phòng không phương Tây cung cấp như Patriot của Mỹ, Iris-T của Đức và NASAMS do Na Uy hợp tác phát triển cùng Mỹ.
Theo cựu tướng quân đội Úc Mick Ryan, ngoài việc thử khả năng đánh chặn, Nga cũng muốn "khiến năng lực phòng không của Ukraine kiệt quệ". Đây là lý do Nga sử dụng kết hợp UAV và nhiều mẫu tên lửa khác nhau trong các cuộc tập kích gần đây.
Các tên lửa đánh chặn mà phương Tây cung cấp cho Ukraine rất đắt đỏ và khó sản xuất hơn UAV và tên lửa Nga.
Nga vừa tấn công các nhà máy sản xuất vũ khí của Ukraine bằng tên lửa đắt tiền, vừa phóng các tên lửa giá rẻ nhằm dẫn dụ Ukraine sử dụng hệ thống phòng không đánh chặn, các chuyên gia nhận định, theo tờ France 24.
"Mục đích là các tên lửa tốt nhất sẽ ít bị cản trở hơn khi tập kích mục tiêu", Stephane Audrand, chuyên gia tư vấn người Pháp về rủi ro quốc tế, nhận định. "Cuộc tập kích của Nga phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ nhắm tới cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine như mùa đông năm ngoái".