Đại diện Cơ quan Quản lý PCCC và ứng phó thảm họa Nhật Bản (FDMA) cũng chia sẻ, các chuông báo cháy dân dụng điển hình chỉ có chức năng báo động và không có chức năng wifi, do vậy việc phát triển thiết bị đầu vào/đầu ra để liên kết hệ thống báo cháy dân dụng với loa thông minh là rất hữu dụng.
Đặc biệt, với việc có thể kết nối với internet, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển các chức năng khác, như thông báo tự động và tiếp nhận cảnh báo thiên tai…
Bên cạnh đó, việc hướng dẫn sơ tán bằng biển báo kỹ thuật số, ứng dụng điện thoại thông minh, đa ngôn ngữ và trực quan hóa bằng các ký tự cũng rất cần thiết. Trong trường hợp hỏa hoạn hoặc thảm họa khác, cần có hướng dẫn sơ tán bằng hình ảnh và đa ngôn ngữ để đảm bảo rằng nhiều người (người nước ngoài, người khiếm thính) trong tòa nhà có thể sơ tán an toàn.
Theo ông Suzuki Kazuo, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thiết bị chữa cháy quốc gia Nhật Bản (NFES), sự xuất hiện của các yếu tố và hỏa hoạn bất ngờ do không gian và môi trường sống mới ngày càng nhiều, vì vậy, rất cần thiết phải nghiên cứu phát triển và thương mại hóa các thiết bị chữa cháy, tích hợp các công nghệ mới, thúc đẩy sự phát triển của các hệ thống phòng chống thảm họa và hỏa hoạn thông minh.
Cũng tại toạ đàm, một nhà sản xuất robot đến từ Pháp đã chia sẻ về qua trình phát triển hệ thống robot chữa cháy đa năng, có khả năng tiếp cận dập tắt các đám cháy nguy hiểm và tại các vị trí mà con người khó tiếp cận, bảo vệ lính cứu hỏa khỏi các rủi ro, giải quyết các vấn đề về nhân lực và trang thiết bị, giảm lượng tiêu thụ nước và hạn chế sự ô nhiễm đất.