Bão số 3 (bão Yagi) đã và đang gây mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên diện rộng, thiệt hại lớn về người, tài sản tại các tỉnh miền Bắc.
Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nhiều tổ chức, cá nhân đã kêu gọi từ thiện, quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ người dân vùng lũ.
Tuy nhiên, khi cả nước đang hướng về đồng bào gặp thiên tai thì nhiều đối tượng xấu đã mạo danh các tổ chức từ thiện kêu gọi quyên góp nhằm chiếm đoạt tiền ủng hộ.
Trước đó, mạng xã hội lan truyền thông tin cô giáo xin thực phẩm cho 500 em học sinh tại TP Yên Bái do bị cô lập trong mưa lũ. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Yên Bái cho biết thông tin cô giáo xin thực phẩm cho 500 em học sinh tại thôn 2, xã Văn Phú, TP Yên Bái là sai sự thật.
Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh đã phát đi cảnh báo tình trạng fanpage mạo danh Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh lừa đảo kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân vùng bão. Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang tin chính thống để kêu gọi người dân quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.
Theo ghi nhận của phóng viên, fanpage vừa được lập sau bão, mới chỉ có 5 bài viết đề cập chủ đề ứng phó với siêu bão và mới chỉ có hơn 100 người theo dõi. Trước tình trạng này, Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo, người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, đồng thời đề nghị người dân báo cáo với các cơ quan chức năng khi phát hiện các trang fanpage hoặc tài khoản cá nhân có dấu hiệu lừa đảo.
Bên cạnh đó, lợi dụng tình trạng người dân vùng bão, lũ bị mất điện, mất sóng điện thoại… nhiều thông tin giả mạo trên mạng về việc nhà mạng Viettel sẽ cung cấp sóng di động miễn phí cho những người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Khi không có wifi, người dân có thể nhập tất cả các cú pháp sau để có mạng, như: 3ST4G gửi 191, 4G gửi 191, 5GBKM gửi 191, 5GKM gửi 191, ZP15 gửi 191, ST15 gửi 191, ST15N_4G gửi 191; tất cả đều miễn phí của Viettel.
Tuy nhiên, trên trang Facebook chính thức, nhà mạng này đã xác nhận các thông tin kêu gọi người dân nhập các cú pháp để có mạng khi bị mất tín hiệu wifi là giả mạo.
Theo các chuyên gia, người dùng có thể tự kiểm tra tính uy tín của fanpage bằng cách vào phần giới thiệu tính minh bạch của trang, kiểm tra ngày tạo, có bị đổi tên không. Sau đó kiểm tra số like (lượt thích) của trang và trong các bài viết.
Nếu trang chỉ có hơn trăm like nhưng bài viết có hơn 500 lượt thích như fanpage giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh, xác suất cao đây là trang giả mạo.
Tiếp đến, người dùng cũng có thể tìm những fanpage cùng tên hoặc tương tự, xem có trang nào nhiều like, có bài viết cảnh báo về tình trạng bị giả mạo không. Nếu bị lợi dụng, các trang này sẽ đăng bài, kêu gọi report fanpage giả.
Nghe tin vỡ đê tại Tuyên Quang, chị Đoàn Mai Trang (26 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) sốt sắng tìm mua số lượng lớn áo phao, đèn pin để khởi hành cùng đoàn đi hỗ trợ người dân. Thế nhưng tình hình thiên tai phức tạp, hàng hóa thiết yếu cho việc cứu trợ khan hiếm, chị Mai Trang đã tìm kiếm khắp các cửa hàng tại Hà Nội, nhưng vẫn không đủ 1.000 chiếc áo phao. Vì vậy, chị Trang đã đăng lên các hội, nhóm trên mạng xã hội với mong muốn nhanh chóng thu thập đủ số lượng áo phao.
Một tài khoản có tên M.K đã nhắn tin cho chị Mai Trang. Người này nói rằng, có sẵn 150 chiếc áo phao, có thể bán cho đoàn từ thiện của chị Trang với giá ưu đãi, 50.000 đồng/chiếc (rẻ hơn giá thị trường khoảng 20.000 đồng).
Người này giải thích, để chung tay giúp đỡ bà con tại Tuyên Quang nên bán với giá gốc và không lấy lãi. Tuy nhiên, khi chị Trang xác nhận địa chỉ để tới lấy hàng thì đối tượng lại yêu cầu phải thanh toán toàn bộ số tiền 7.500.000 đồng. Lý do được đưa ra là vì phía kho sỉ không còn nhiều hàng.
Thấy nghi ngờ, chị Mai Trang đăng thông tin về trang cá nhân và số tài khoản của người này lên một hội nhóm khác và được nhiều người xác nhận đây là lừa đảo. Ngay sau khi thực hiện xong việc chuyển khoản, đối tượng này sẽ “lặn mất tăm”, đồng thời chặn luôn tài khoản và số điện thoại của nạn nhân.
“Gần đây, tôi đã đọc được một số thông tin về việc lợi dụng tình trạng bão lũ để rao bán đèn pin, áo phao nhưng thực tế là để chiếm đoạt tiền của người mua. Ngay chính bạn của tôi cũng đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo khi giao dịch mua đèn pin để đi cứu trợ bà con trên Lào Cai.
Vì vậy, tôi không đồng ý thanh toán trước, kiên quyết chỉ trả tiền khi nhận được hàng. Những kẻ này lợi dụng lòng xót thương đồng bào, tâm lý đang cần gấp để đi cứu trợ của người dân. Thật quá thất đức khi lợi dụng thời điểm cả nước đang “oằn mình” chống lại thiên tai để trục lợi cá nhân.
Đáng nói, trang cá nhân của đối tượng này thường xuyên đăng tải những hình ảnh thương tâm về những người dân ở vùng bão, lũ để đánh vào lòng trắc ẩn của người dân. Mặc dù đã bị nhiều người báo cáo, song tài khoản kia vẫn ngang nhiên hoạt động bởi quy trình tiếp nhận và xử lý của Facebook thường mất nhiều thời gian”, chị Mai Trang bức xúc cho biết.
Trước tình trạng trên, cơ quan công an đã đưa ra khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Hiện nay không chỉ các đối tượng gọi điện kêu gọi quyên góp mà các đối tượng còn tạo các trang giả mạo trên các nền tảng xã hội để kêu gọi từ thiện, người dân phải hết sức tỉnh táo, bảo vệ mình trước các hành vi lừa đảo.
Trước khi quyên góp, ủng hộ, người dân cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp. Trong trường hợp người có tấm lòng hảo tâm, chia sẽ với những khó khăn của đồng bào trong vùng thiên tai thì nên quyên góp, ủng hộ tại các đơn vị có uy tín, minh bạch, đảm bảo sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa.