Một trong những lời của cô ấy tôi vẫn nhớ: "Mẹ con tưởng ở cùng nhau lâu dài nhưng thực ra không có nhiều thời gian. Con tôi là người hiểu chuyện, trái tim ấm áp, hiếu thảo và biết cách chăm sóc khi mẹ ốm đau. Dù con không xuất sắc, tôi vẫn rất hạnh phúc khi được làm mẹ của nó".
02. "Thi trượt cũng không sao, để mẹ ôm con"
Một bà mẹ đã kể câu chuyện. Con trai chị mới vào lớp 1, có lần đi học về bực bội nói rằng con chỉ được hơn 70 điểm trong bài kiểm tra. Nếu là một người mẹ bình thường, hoặc là mắng vào mặt con, hoặc là dạy bảo thúc giục con chăm chỉ học tập. Nhưng người mẹ này đã cầm tờ giấy kiểm tra lên, thay vì phủ nhận sự cố gắng của con trai, bà đã động viên con: "Thật tuyệt vời khi đạt được hơn 70 điểm cho một câu hỏi khó như vậy".
Cậu con trai tỏ vẻ ngạc nhiên: "Đã hơn điểm 70, con có được ăn mừng không?". Câu trả lời của người mẹ khiến người ta mềm lòng: "Lần đầu tiên thi được điểm trên 70, đương nhiên phải ăn mừng rồi".
So với thành công, biết chấp nhận thất bại là khóa học bắt buộc tốt nhất cho cuộc đời con trẻ. Nhìn thấy sự cố gắng của con và dạy chúng chấp nhận thất bại có giá trị hơn nhiều so với việc tạo cho con áp lực phải chiến thắng.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng viết lá thư an ủi cho một bé gái 8 tuổi sau khi học sinh này "tranh cử" làm lớp trưởng và thất bại.
Trong thư có mấy lời ấm lòng: "Điều quan trọng nhất là cháu đã đấu tranh vì điều cháu tin tưởng", bà viết trong thư. "Và nó lúc nào cũng xứng đáng".
"Bác biết có thể cháu đang thất vọng vì không thể giành chức lớp trưởng, nhưng bác rất tự hào vì cháu đã quyết định chạy đua ngay từ đầu. Bởi bác hiểu rõ, thật không dễ dàng khi cháu dám đứng lên và cạnh tranh cho vị trí vốn chỉ các cậu bé mới tìm đến", Clinton chia sẻ.
Ngược lại, ở đời, khi con thi trượt, cha mẹ lại dè bỉu: "Con làm bài kiểm tra như thế nào? Thời gian qua bố/mẹ đã dạy con một cách vô ích". Mỗi câu nói đều đánh mạnh vào trái tim của đứa trẻ. Trẻ lấy lại sự tự tin ở đâu?
Ông Lưu, cựu hiệu trưởng Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) từng nói: Một người có thể trở thành nhân tài hay không về cơ bản không phụ thuộc vào những giáo viên hay trường học nổi tiếng, mà phụ thuộc vào chính họ. Kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 và kỳ thi tuyển sinh đại học chỉ là một điểm dừng, cuộc đời này còn dài. Miễn là con có ước mơ, mọi thứ sẽ không gì ngăn cản con được. Chỉ cần con cố gắng hết sức, con sẽ không hối tiếc về những gì đã trải qua. Con là niềm tự hào của bố mẹ nếu con làm bài thi tốt. Ngược lại, nếu làm không tốt thì đều đó vẫn không sao cả.
Hiểu ra những điều đó, ngày hôm sau, trước khi đi ngủ, tôi đã trịnh trọng nói "Mẹ xin lỗi" với con trai. Tôi nghĩ con sẽ đối diện với một khuôn mặt lạnh lùng. Thật bất ngờ, câu trả lời của con khiến tôi rất ấm lòng: "Mẹ, con biết mẹ quá lo lắng cho con. Không sao đâu. Con vẫn yêu mẹ rất nhiều. Con lớn lắm rồi!".
Con trai vừa nói vừa khoa tay thành "trái tim lớn". Ôm con vào lòng, tôi không kìm được, nước mắt cứ thế tuôn rơi.
Tôi nhớ diễn viên Tôn Lệ đã nói: "Con cái có thể làm cho cuộc sống của chúng ta hoàn hảo hơn, bởi vì chúng ta yêu thương chúng sâu sắc, nên chúng ta sẵn sàng thể hiện những mặt tốt nhất của mình cho chúng".
Con trai yêu, mẹ muốn nói với con rằng mẹ sẽ luôn yêu thương con, cho dù điểm số của con có như thế nào, dù con là học sinh giỏi hay học sinh kém, dù con là bác sĩ kỹ sư hay một anh công nhân, một người bán buôn bình thường.
Trong mắt mẹ, vai trò quan trọng nhất của con là con trai mẹ. Giữa muôn ngàn người, được gặp con là niềm hạnh phúc lớn nhất trong suốt quãng đời còn lại của mẹ. Mẹ chỉ ước được chăm sóc con và đồng hành cùng con trên suốt chặng đường tiến về tương lai phía trước.