Bột sắn dây kết hợp cùng chanh là thức uống được nhiều người yêu thích, vậy uống bột sắn dây với chanh có tác dụng gì?
Tác dụng của bột sắn dây với sức khoẻ
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, bột sắn dây là sản phẩm được biết đến với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Cụ thể:
Trong thành phần của bột sắn dây chứa chất chống oxy hóa như Flavonoid và các acid amin, hỗ trợ quá trình lưu thông của máu, ngăn ngừa lão hóa.
Thành phần Isoflavone và Lecithin trong bột sắn dây tác dụng duy trì trạng thái ổn định của hormone estrogen, ngăn ngừa tình trạng nám, sạm da do bài tiết sắc tố melanin và kiểm soát dầu hiệu quả. Đồng thời, hormon này còn giúp tăng kích thước vòng một.
Những vết nám, sạm, tàn nhang cũng mờ dần nhờ yếu tố vitamin A trong bột sắn dây.
Bột sắn dây tính mát nên được sử dụng để thanh lọc, thúc đẩy cơ thể tăng cường bài tiết độc tố đồng thời bảo vệ da khỏi các yếu tố tác động từ bên ngoài môi trường nhờ thành phần chống oxy hóa. Nhờ đó hạn chế quá trình hình thành và phát triển của mụn.
Bột sắn dây còn chứa thành phần vitamin C tác dụng giúp vết thương nhanh lành, cấp ẩm, tạo độ căng bóng, săn chắc cho da và ngăn ngừa sẹo do mụn.
Sử dụng bột sắn dây để rửa hoặc làm mặt nạ có tác dụng loại bỏ các tế bào da chết, thông thoáng lỗ chân lông giúp khôi phục trạng thái da khỏe mạnh, ngăn ngừa mụn hình thành.
Uống bột sắn dây với chanh có tác dụng gì?
Theo bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân, pha bột sắn dây pha kết hợp với chanh sẽ tạo nên thức uống thơm ngon, giúp giải nhiệt ngày hè, vừa bổ sung năng lượng vừa giúp da săn chắc, căng mịn đầy sức sống.
Cho 2 - 3 muỗng bột sắn dây với nước lọc rối khuấy đều cho tan bột. Sau đó cho thêm nước sôi để nguội rồi vắt thêm nửa trái chanh. Bạn có thể cho thêm đường và đá sẽ dễ uống và ngon hơn.
Những trường hợp không nên sử dụng bột sắn dây
Bột sắn dây tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể dùng được. Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời Lương y Trần Đăng Tài - Phó chủ tịch Hội Đông y thị xã Thái Hòa, Nghệ An lưu ý những trường hợp dưới đây được khuyến cáo không nên uống bột sắn dây:
- Tiêu hóa kém: Trong y học cổ truyền cho rằng lá lách và dạ dày là nguồn gốc của quá trình tiêu hóa và hấp thu của cơ thể con người. Nếu chức năng của lá lách, dạ dày kém dễ dẫn đến khó tiêu và chán ăn. Sắn dây là thực phẩm giàu chất xơ, dễ gây kích ứng đường tiêu hóa.
- Người có thể chất nóng ẩm: Có xu hướng tích tụ độ ẩm và nhiệt trong cơ thể, gây ra các triệu chứng như nhiều đờm, khô miệng và táo bón. Bản thân sắn dây có tác dụng giữ ẩm và có thể thúc đẩy cơ thể loại bỏ độ ẩm và nhiệt. Tuy nhiên, đối với những người có thể trạng nóng ẩm, tiêu thụ quá nhiều sắn dây có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng nóng ẩm.
- Bệnh nhân tiểu đường: Sắn dây chứa lượng tinh bột nhất định, có thể cung cấp năng lượng nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Bệnh nhân tiểu đường kiểm soát lượng đường trong máu kém nên tiêu thụ sắn dây vừa phải để tránh biến động lượng đường trong máu.
- Trẻ em và phụ nữ trong thời gian mang thai: Sắn dây có tính hàn cho nên hai trường hợp này dùng nhiều sắn dây sẽ dẫn đến đi ngoài.
Theo y học cổ truyền, sắn dây tuy là loại thực phẩm bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng sử dụng được. Vì vậy, những người có thể chất hoặc bệnh lý nêu trên, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ y học cổ truyền, người có chuyên môn để được tư vấn trước khi sử dụng nhằm đảm bảo sử dụng an toàn cho sức khỏe.