Ưu tiên thí sinh có chứng chỉ IELTS: Ngoại ngữ không phải tất cả

27/02/2024, 17:31
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu một số địa phương dừng tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập chưa đúng quy định...

Việc Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương không tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên thí sinh có chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh vào lớp 10 nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh, học sinh, thầy, cô giáo.

Sai quy định

Thông tin đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, nhất là phụ huynh có con học THCS là việc Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu một số địa phương dừng tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập chưa đúng quy định, như giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ. Văn bản của Bộ nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh, học sinh, thầy, cô giáo và chuyên gia giáo dục.

Nghệ An là một trong những địa phương tiên phong trong việc cộng điểm vào lớp 10 cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS. Từ năm 2021, Nghệ An đã tuyển thẳng học sinh có điểm IELTS đạt 6.0 vào trường THPT công lập có lớp tiếng Anh tăng cường và 7.0 trở lên đối với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Tuyên Quang công bố tuyển thẳng học sinh có điểm IELTS 5.0 trở lên. Riêng thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên, điều kiện tuyển thẳng là IELTS đạt 7.0 trở lên. Thí sinh đạt mức điểm 6.0 - 6.5 được cộng từ 1 - 2 điểm. Địa phương này tổ chức 3 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để tuyển sinh lớp 10.

Trong khi đó, Lào Cai miễn thi và tính điểm 10 môn Tiếng Anh vào lớp 10 công lập cho thí sinh có IELTS từ 4.0 trở lên. Đối với Trường THPT chuyên Lào Cai, thí sinh được miễn thi và tính điểm tối đa để xét tuyển bài thi môn ngoại ngữ không chuyên khi có một trong các chứng chỉ sau: IELTS 4.0 điểm, TOEFL 45 điểm.

Quảng Trị quy định, nếu đạt từ 4.0 IELTS trở lên, thí sinh được quy đổi thành 9 điểm môn này trong kỳ thi vào lớp 10 công lập, áp dụng cả với trường chuyên và không chuyên. Ngưỡng điểm quy đổi với 4.5 và 5.0 IELTS là 9,5 và 10 điểm. Ngoài IELTS, tỉnh Quảng Trị còn chấp nhận nhiều chứng chỉ khác như TOEFL iNT, TOEIC, VSTEP, Aptis Esol.

Ưu tiên IELTS nói riêng và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để tuyển sinh THPT đã thu hút ý kiến trái chiều từ nhiều năm qua. Bởi việc cộng điểm, xét tuyển thẳng với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không công bằng với những em ở địa bàn khó khăn, chưa có điều kiện học tập ngoại ngữ. Cùng đó, việc chạy đua theo các chứng chỉ ngoại ngữ đắt đỏ là không cần thiết.

Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: TG
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: TG

Để học sinh phát triển toàn diện

Cô Nguyễn Thị Lý - giáo viên Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, tuyển sinh chỉ dùng Tiếng Anh mà bỏ qua các môn khác là sai. Tiếng Anh chỉ là công cụ, học sinh không thể chỉ giỏi tiếng Anh mà không có kiến thức đa ngành nghề. Trong môi trường làm việc, không công ty nào muốn thuê nhân viên chỉ biết ngoại ngữ mà không có chuyên môn.

Nếu trẻ đua nhau học tiếng Anh để đạt mức rất dễ là IELTS 4.0 thì không khác nào bảo dừng học các môn học khác, chỉ cần thi tiếng Anh là xong. Hơn nữa, chính Hội đồng Anh và IDP đã khuyến nghị thí sinh thi IELTS nên từ 16 tuổi trở lên vì bài thi IELTS có nhiều mảng kiến thức phù hợp với người trưởng thành, có nhận thức xã hội nhất định.

Cộng điểm ưu tiên cho học sinh đạt điểm IELTS phần nào thúc đẩy phong trào dạy học tiếng Anh tại các trường học tại Quảng Trị trong thời gian vừa qua. Chia sẻ thông tin, thầy Hoàng Hữu Kiều - giáo viên Trường THCS Gio Sơn (huyện Gio Linh, Quảng Trị) đồng thời bày tỏ: Nếu chạy đua bằng mọi giá để có chứng chỉ IELTS là không cần thiết, nhất là với học sinh THCS bởi lứa tuổi này cần được giáo dục toàn diện.

Cô Nguyễn Bích Thủy - giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) cho rằng, IELTS 4.0 chỉ ở ngưỡng đầu B1. Mức này tương đương học sinh lớp 6, 7 ở các thành phố lớn. Tiền thi IELTS gần 5 triệu đồng không phải rẻ. Việc bỏ các môn khác mà chỉ học mỗi tiếng Anh thì học sinh cũng không thành công được trong cuộc sống sau này.

Nhiều năm thực hiện chế độ tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS nhưng tại phương án tuyển sinh năm học 2024 - 2025, Hệ thống giáo dục Lômônôxốp (Hà Nội) đã mạnh dạn bỏ phương thức này.

Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các năm trước, trường dành 5% chỉ tiêu cho phương thức tuyển thẳng học sinh có IELTS (khoảng 20 chỉ tiêu) nhưng năm học tới, trường không sử dụng phương thức này. Việc không tuyển thẳng học sinh có IELTS góp phần tránh lãng phí cho phụ huynh và giúp những học sinh gia đình khó khăn, không đủ kinh phí học và thi IELTS có nhiều cơ hội vào trường hơn.

Đồng quan điểm, anh Bùi Quang Hưng - phụ huynh học sinh Trường THCS Tân Định (quận Hoàng Mai) cho rằng, tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS không phù hợp bởi tiếng Anh chỉ là một ngôn ngữ. Bài thi IELTS chưa đủ để phản ánh chất lượng toàn diện cũng như nền tảng kiến thức của học sinh ở các môn học. Trong khi đó, giáo dục THCS là nền tảng để học sinh phát triển toàn diện.

Sau khi có văn bản của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo một số sở GD&ĐT như: Quảng Trị, Nghệ An, Tuyên Quang, Lào Cai, Bình Dương, Vĩnh Long… thông tin sẽ rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 vì trước đó có thông báo về việc cộng điểm hoặc tuyển thẳng học sinh sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS.

Bài liên quan
Điểm danh 3 ngôi trường cấp 3 lần lượt có học sinh giỏi Toán - Văn - Ngoại ngữ nhất Hà Nội
3 ngôi trường này có điểm chung là đều thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu tiên thí sinh có chứng chỉ IELTS: Ngoại ngữ không phải tất cả