Các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nếu bị kết tội "làm phương hại đến lợi ích" của Ba Lan có thể bị phạt tiền hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn 10 năm.
Chính phủ Ba Lan cho rằng ủy ban đặc biệt này là cần thiết để củng cố "sự gắn kết và an ninh nội bộ" của Ba Lan trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, ngay sau khi Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thông qua luật "ảnh hưởng của Nga" vào tuần trước, cả EC và Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích động thái này, bày tỏ lo ngại về hậu quả của luật với nền dân chủ Ba Lan.
Brussels và Washington lo ngại ủy ban đặc biệt này có thể bị lợi dụng để nhắm mục tiêu vào các chính trị gia đối lập trước kỳ bầu cử dự kiến vào mùa thu năm nay, đồng thời tước quyền được xét xử công bằng của các ứng viên tranh cử.
Những người chỉ trích coi luật mới là vi phạm hiến pháp Ba Lan, trong khi nhấn mạnh định nghĩa về "ảnh hưởng của Nga" trong luật vẫn mơ hồ.
Vụ kiện là sự việc mới nhất trong cuộc đối đầu giữa EC và Ba Lan về pháp quyền. Nó xảy ra chỉ 2 ngày sau khi ECJ bác bỏ một chương trình cải cách tư pháp gây tranh cãi của chính phủ Ba Lan đưa ra năm 2019. ECJ kết luận chương trình cải cách tư pháp đó vi phạm luật pháp EU, làm suy yếu quyền được tiếp cận với một cơ quan tư pháp độc lập và vô tư.