Vai trò Chủ tịch Hội đồng trường trong trường phổ thông: Nên thế nào cho phù hợp?

Công Chương | 03/03/2022, 13:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc xuất hiện thêm vị trí, chức danh là Chủ tịch Hội đồng trường (HĐT) trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập tại dự thảo đang lấy ý kiến được nhiều trường quan tâm.

Thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM).

Cần làm rõ mối quan hệ của Chủ tịch HĐT

Nói về vị trí, chức danh Chủ tịch HĐT theo dự thảo của thông tư, thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM) - cho rằng, dự thảo của thông tư lần này có thêm một chức danh Chủ tịch HĐT trong trường phổ thông công lập là hơi thừa. Bởi từ trước tới nay, các trường phổ thông vận hành bộ máy theo cơ chế cũ rất ổn.

“Nếu thêm vị trí Chủ tịch HĐT thì phải thêm phòng làm việc, theo đầu lương, phụ cấp chức vụ… Tuy nhiên, trong dự thảo không thấy đề cập về vấn đề lương, phòng làm việc… cũng như tiêu chuẩn đối với vị trí cho chức danh Chủ tịch HĐT trong trường phổ thông công lập. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa HĐT và Chi bộ của trường sẽ như thế nào cũng chưa thấy quy định. Bởi, trong các trường phổ thông hiện nay thì hiệu trưởng làm theo các nghị quyết của Chi bộ, nếu có thêm Chủ tịch HĐT thì khi đó hiệu trưởng sẽ làm theo bên nào? Đồng thời, cũng cần có quy định rõ thêm Chủ tịch HĐT được ký, đóng dấu văn bản nào, trường hợp nào…” - thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

Thầy Huỳnh Thanh Phú bày tỏ băn khoăn, nếu quy định như dự thảo thì trong trường phổ thông công lập, hiệu trưởng sẽ là cán bộ quản lý đứng đầu nhà trường hay là Chủ tịch HĐT Nếu giáo viên trúng cử chức danh Chủ tịch HĐT thì cũng cần phải làm rõ tiêu chuẩn của giáo viên làm Chủ tịch HĐT.

“Nếu Chủ tịch HĐT là người hoạch định chính sách, chiến lược phát triển cho nhà trường, còn hiệu trưởng chỉ là người thực hiện. Vậy khi hiệu trưởng triển khai để xảy ra sai phạm thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?” – thầy Huỳnh Thanh Phú băn khoăn.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, hiệu trưởng nên kiêm nhiệm luôn chức danh Chủ tịch HĐT trong trường phổ thông, một giáo viên trung học phổ thông nêu quan điểm ủng hộ việc thành lập HĐT, tuy nhiên việc chuyển giao quyền lực từ Nhà nước sang tổ chức trường học phải gắn liền với trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm giải trình của từng chức danh công việc, tránh việc buông lỏng quản lý. Nếu hiệu trưởng kiêm Chủ tịch HĐT thì sẽ xảy ra tình trạng độc đoán, chuyên quyền, và trường phổ thông công lập dần dần sẽ biến thành trường ngoài công lập.

“Nếu hiệu trưởng kiêm luôn Chủ tịch HĐT thì việc thực hiện nhiệm vụ của HĐT thường cũng do hiệu trưởng quyết hết. Như vậy, hiệu trưởng vừa giám sát với vai trò là Chủ tịch HĐT và thực thi nghị quyết của HĐT với vai trò hiệu trưởng thì vai trò của HĐT sẽ khá mờ nhạt, có như không” - giáo viên này nói.

“Theo tôi, dự thảo mới đi theo hướng làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch HĐT và hiệu trưởng là tín hiệu tích cực. Khi tổ chức trường học phát triển, cần có sự phân công vai trò rành mạch giữa “quản trị” (HĐT) và “điều hành” (hiệu trưởng). Việc làm rõ và phát huy vai trò của HĐT giúp giảm tải cho hiệu trưởng để tập trung vào công việc điều hành, đồng thời giúp các quyết định chiến lược được thực hiện thông qua tập thể HĐT mà đại diện cao nhất là Chủ tịch HĐT. Khi không có cơ chế phân vai, sẽ dễ xảy ra hiện tượng hiệu trưởng lạm quyền, đồng thời cũng không thực hiện đầy đủ vai trò vì hiệu trưởng quá tải.

Tôi ủng hộ việc phân công công việc rõ ràng giữa Chủ tịch HĐT và hiệu trưởng, đó là cơ sở để xây dựng miêu tả công việc cho mỗi chức danh, cũng như tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi công việc. Một số trường tư thục khi có cả một HĐT mạnh và hiệu trưởng mạnh, đã giúp trường học tiến bộ rất nhanh chóng nhờ những quyết định sáng tạo, nhanh chóng. Đó là cơ chế mà trường công có thể tham khảo...” - chuyên gia nghiên cứu giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho biết.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/vai-tro-chu-tich-hoi-dong-truong-trong-truong-pho-thong-nen-the-nao-cho-phu-hop-biiij4Y7g.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/vai-tro-chu-tich-hoi-dong-truong-trong-truong-pho-thong-nen-the-nao-cho-phu-hop-biiij4Y7g.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vai trò Chủ tịch Hội đồng trường trong trường phổ thông: Nên thế nào cho phù hợp?