Thực tế thử nghiệm với vùng nông thôn Điện Bàn (Quảng Nam) bước đầu cho thấy, khả năng và độ tin cậy giúp phát hiện bệnh đạt gần 90%. Nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện giao diện, nâng cấp thêm chức năng và phạm vi cơ sở dữ liệu phù hợp với thực tế, nhu cầu của nông dân ở các địa phương trồng lúa.
Dự án Chế phẩm sinh học dùng cho nuôi tôm - Probiotics của nhóm sinh viên ngành Khoa học y sinh, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) mở ra hy vọng giúp hạn chế bệnh trên tôm và có giải pháp nuôi tôm an toàn, hiệu quả… Dự án này đã đạt giải Ba tại ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh - sinh viên lần thứ 4 (SV.Startup 2023) do Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.
Đinh Thị Ngọc Ánh - thành viên dự án Chế phẩm sinh học dùng cho nuôi tôm - Probiotics cho biết, nhóm nhận thấy bệnh đường ruột tôm là một trong những nguyên nhân gây tổn thất kinh tế đáng kể cho người nuôi.
“Nhóm đọc nhiều tài liệu và nghiên cứu sử dụng chế phẩm sinh học để phòng tránh, điều trị bệnh trên tôm. Càng nghiên cứu, chúng em tin rằng việc sử dụng chế phẩm sinh học là một trong những giải pháp hiệu quả giúp giảm thiểu tổn thất kinh tế và tăng hiệu quả sản xuất trong ngành nuôi trồng thủy sản.
Qua đó, nhóm hướng đến việc phát triển sản phẩm chế phẩm sinh học dành cho tôm thẻ tại Việt Nam, bởi loại tôm này chiếm sản lượng lớn trong ngành nuôi trồng thủy hải sản cũng như có nhiều thị trường để phát triển mạnh mẽ”, Ngọc Ánh chia sẻ.
Để thực hiện dự án Chế phẩm sinh học dùng cho nuôi tôm - Probiotics, nhóm phân chia nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên, trong đó Trần Nhân Kiệt phụ trách phần thông tin thị trường, marketing, tìm hiểu các thông tin về pháp lý, còn Lan Anh, Ngọc Ánh và Ngô Huỳnh Thiên Ý phụ trách phần phân lập vi khuẩn.
Nhóm đã phân lập chủng Bacillus pumilus từ đất sau đó phối trộn với hai chủng khác để làm cơ sở tạo ra chế phẩm sinh học dùng cho nuôi tôm. Dự án Chế phẩm sinh học dùng cho nuôi tôm – Probiotics được đánh giá có tính sáng tạo và ý nghĩa thực tiễn cao, tạo ra những sản phẩm góp phần giảm lượng vi sinh vật gây bệnh, vừa làm sạch ao nuôi hiệu quả và giá thành rẻ, hứa hẹn trở thành trợ thủ đắc lực cho những người nuôi tôm tại Việt Nam.
Thử nghiệm sản phẩm màu thực vật của dự án Binks tại một số lớp học vẽ ở Đà Nẵng. Ảnh: NVCC |
Các ý tưởng, dự án của sinh viên ĐH Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở kết quả báo cáo, bảo vệ thuyết phục hay dự thi để lấy giải trong các “sân chơi” khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà còn hướng đến thương mại hóa.
Dự án Binks – Mực thực vật, hướng đi mới cho nông nghiệp xanh của nhóm 2 sinh viên thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng vừa lọt vào tốp 50 chung cuộc Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp – SV-STARTUP lần thứ VI do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Chia sẻ của Trần Nhân Kiệt - Trưởng nhóm dự án Binks, nhóm có ý tưởng nghiên cứu, áp dụng sự biến đổi màu sắc theo nhiệt độ và độ pH của hợp chất anthocyanin trích ly từ rau củ quả bỏ đi ở các chợ, nông trại để làm mực trong bút viết và màu vẽ.
Binks không chứa hóa phẩm màu độc hại; giá thành rẻ hơn và độ khô màu nhanh gấp khoảng 6 lần so với màu nước trên thị trường. “Với quy trình lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, sản phẩm được đánh giá cao bởi cộng đồng mỹ thuật tại Đà Nẵng và giới chuyên môn về hóa ứng dụng”, Trần Nhân Kiệt thông tin.
Một số lớp học vẽ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thử nghiệm mực thực vật Binks và có phản hồi tích cực về chất lượng sản phẩm. Hơn 100 sản phẩm được bán ra trong khoảng thời gian từ tháng 11/2023 – 1/2024.
Ngoài ra, nhóm đang kết nối sản phẩm với các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục tại một số tỉnh thành phía Nam để mở rộng thị trường. Theo Nhân Kiệt, đây là tiền đề quan trọng để thương mại hóa sản phẩm vào giai đoạn sau với dự kiến 2 hướng đi mới là mực in và màu nhuộm vải. Đây là 2 nguyên liệu đang chiếm lĩnh nền công nghiệp dệt may và in ấn.
Với Dự án Binks – Mực thực vật đã góp phần giảm mạnh lượng rác thải hữu cơ bằng cách tận dụng phế phẩm hữu cơ, tái tạo, tiết kiệm tài nguyên thực phẩm, giảm ô nhiễm cho bãi rác tại địa phương. Nhóm cũng hy vọng tạo ra sản phẩm có lợi nhuận kinh tế cao nhờ thị trường hoạ cụ phát triển khoảng 22,3% mỗi năm và thúc đẩy nhận thức của người dùng, cổ vũ các phong trào tiêu dùng xanh khi trẻ em và thanh niên sẽ sử dụng mực và màu Binks hằng ngày.
Các “sân chơi” lớn dành cho sinh viên ĐH Đà Nẵng như Cuộc thi Khởi nghiệp Công nghệ trong sinh viên lần thứ 3 do Hội Sinh viên ĐH Đà Nẵng tổ chức; Cuộc thi Startup Runway mùa thứ 7 do Trường ĐH Kinh tế khởi xướng đều hướng đến chủ đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp “thông minh” gắn với chuyển đổi xanh bền vững. Những cuộc thi này đã truyền cảm hứng, sức sáng tạo trẻ cho các nhóm sinh viên phát huy tiềm năng, thế mạnh của quê hương, đem lại nhiều giá trị hữu ích phục vụ cộng đồng.