Đọc hiểu giữ vai trò trung tâm, là chiếc cầu nối giúp học sinh tiếp cận, giải mã và cảm nhận sâu sắc các giá trị tư tưởng, nghệ thuật của văn bản.
Ngữ văn không chỉ là môn học truyền thụ tri thức về ngôn ngữ và văn học, mà còn là hành trình nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp tư duy và đánh thức cảm xúc thẩm mỹ nơi người học. Trong hành trình ấy, đọc hiểu giữ vai trò trung tâm, là chiếc cầu nối giúp học sinh tiếp cận, giải mã và cảm nhận sâu sắc các giá trị tư tưởng, nghệ thuật của văn bản.
Không dừng lại ở việc trả lời câu hỏi “văn bản nói gì”, đọc hiểu còn dẫn dắt người học đến với câu hỏi “văn bản muốn nói gì” và “vì sao lại nói như thế”, từ đó hình thành năng lực tư duy phản biện, năng lực cảm thụ và diễn đạt quan điểm cá nhân.
Trên thực tế giảng dạy hiện nay, việc phát triển kỹ năng đọc hiểu đã trở thành một yêu cầu cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực người học.
Do đó, việc nhìn nhận đúng vai trò của đọc hiểu không chỉ giúp nâng cao chất lượng dạy học Ngữ văn, mà còn góp phần hình thành những công dân có chiều sâu tư duy và cảm xúc – điều mà xã hội hiện đại đang rất cần.
Đọc hiểu văn bản văn học là sự tiếp nhận chiều sâu, chiều rộng của ý nghĩa văn bản, tác động đến quá trình nhận thức của người đọc. Một tác phẩm như một nụ hoa, mỗi người đọc ngày qua ngày bằng khả năng tư duy, năng lực cảm nhận sẽ bóc dần lớp vỏ ngoài để nó có thể khoe sắc ở độ rực rỡ nhất. Đọc hiểu tác phẩm xét về mặt lý luận là hoạt động tiếp nhận văn học. Quá trình này diễn ra chịu sự chi phối của những yếu tố khác nhau.
Đọc hiểu là một quá trình tư duy có định hướng, trong đó người đọc chủ động kiến tạo ý nghĩa văn bản thông qua việc huy động kiến thức ngôn ngữ, văn hóa, kinh nghiệm sống và khả năng phân tích - đánh giá. Theo tài liệu của UNESCO, đọc hiểu được xem là năng lực nền tảng, không chỉ phục vụ cho việc học mà còn góp phần phát triển tư duy độc lập và năng lực giao tiếp hiệu quả.
Trong Chương trình GDPT 2018 tại Việt Nam, đọc hiểu được xác định là trục chính trong dạy học Ngữ văn, nhằm phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học cho học sinh. Việc tiếp cận văn bản không còn theo lối “đọc - chép - thuộc”, mà chuyển sang hướng “đọc - hiểu - phản hồi”, tức học sinh cần hiểu được nội dung, phân tích được nghệ thuật, đồng thời có thể đưa ra nhận định, đánh giá, bày tỏ quan điểm cá nhân trước tác phẩm.
Việc đọc hiểu các tác phẩm ngoài chương trình trước hết sẽ khơi mở và phát huy ở học sinh sở thích đọc, tìm hiểu và khám phá văn học một cách đa dạng, phong phú và không bị giới hạn trong một cuốn sách giáo khoa. Từ đó hình thành ở các em thói quen tự đọc, tự nghiền ngẫm, tự phân tích, cảm nhận bằng trực giác, trải nghiệm và thế giới quan của riêng mình.
Thông thường, những tác phẩm văn học ngoài chương trình sẽ không có bài phân tích mẫu, các em sẽ không phụ thuộc vào cách đọc và hiểu tác phẩm này như thế nào, phải yêu hay ghét nhân vật ra sao. Ngược lại, học sinh có thể toàn quyền quyết định về cách hiểu của mình đối với một tác phẩm dưới sự định hướng của giáo viên.
Như vậy, lợi ích đầu tiên của việc đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình phổ thông đó chính là nâng cao khả năng cảm nhận chủ quan, giúp học sinh ngày càng chủ động hơn trong việc phân tích, bình giảng tác phẩm văn học nghệ thuật.
Đọc hiểu không chỉ là quá trình giải mã văn bản, mà còn là hành trình khám phá thế giới và chính bản thân người học. Khi được dẫn dắt bằng những câu hỏi gợi mở, phương pháp tương tác linh hoạt và không khí lớp học khuyến khích chia sẻ cảm nhận cá nhân, học sinh sẽ cảm thấy việc đọc không còn khô khan, áp lực mà trở nên gần gũi, hấp dẫn và đầy cảm hứng.
Một văn bản như “Lặng lẽ Sa Pa” chẳng hạn, nếu chỉ đọc để ghi nhớ hoàn cảnh, nhân vật, tình huống truyện, học sinh dễ cảm thấy nhàm chán. Nhưng khi các em được mời gọi đặt mình vào vị trí anh thanh niên trong truyện để suy nghĩ về lý tưởng sống, sự cống hiến thầm lặng và vẻ đẹp nội tâm, các em sẽ bắt đầu đọc bằng trái tim, bằng sự đồng cảm và tò mò.
Chính quá trình đó giúp khơi gợi tình yêu đọc, từ việc đọc để hiểu sang đọc để rung cảm và rồi đọc để tự mở rộng thế giới tinh thần của mình. Từng bước, việc đọc không còn là nhiệm vụ học tập mà trở thành niềm say mê cá nhân - một nhu cầu tự thân mang tính văn hóa.
Từ việc nâng cao khả năng cảm nhận, phân tích, bình giảng tác phẩm văn học, đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình còn giúp học sinh tích lũy cho mình lượng kiến thức văn học phong phú để chứng minh cho các vấn đề lý luận văn học.
Đồng thời, các tác phẩm văn học ngoài chương trình có thể dùng để so sánh, đối chiếu, liên tưởng với các tác phẩm chính quy trong nhà trường khi các em phân tích, bình giảng mà chỉ khi đã đọc, đã hiểu một cách sâu sắc thì sự so sánh của các em mới nhuần nhuyễn và không khập khiễng.
Ngược lại, nếu chỉ đọc các tác phẩm ngoài chương trình theo cách “cưỡi ngựa xem hoa” thì bài viết của các em có thể sai lệch về kiến thức, không thể mở theo chiều rộng càng không thể mở theo chiều sâu, như thế rất dễ mất điểm đối với người chấm. Đó là lý do vì sao hướng dẫn đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình đối với học sinh trường chuyên có một vai trò quan trọng không thể phủ nhận.
Chẳng hạn, khi học sinh phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng chí” (Chính Hữu), nếu các em đã từng đọc và hiểu sâu sắc bài thơ “Tây Tiến” (Quang Dũng), thì việc so sánh sẽ trở nên linh hoạt và thuyết phục hơn. “Đồng chí” khắc họa người lính nông dân giản dị, gắn bó bằng tình đồng đội trong gian khổ, lạnh lẽo chiến trường; còn “Tây Tiến” lại xây dựng hình tượng người lính hào hoa, bi tráng giữa khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ.
Việc đọc hiểu cả hai văn bản giúp học sinh không chỉ nắm rõ đặc điểm riêng của mỗi tác phẩm mà còn nhận ra những điểm tương đồng và khác biệt trong phong cách, cảm hứng sáng tác, qua đó làm giàu thêm vốn kiến thức văn học và khả năng tư duy so sánh.
Hơn thế, các em sẽ hiểu rằng văn học là một dòng chảy liên tục của cảm xúc và tư tưởng, mỗi tác phẩm không tồn tại đơn lẻ mà có thể soi chiếu, cộng hưởng lẫn nhau. Những so sánh như vậy, nếu được xây dựng từ nền tảng đọc hiểu sâu sắc, sẽ tạo ra những bài viết giàu chất lượng học thuật và chiều sâu tư duy.
Cuối cùng, việc đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình, từ văn học Việt Nam cho đến văn học nước ngoài không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử văn học, tiến trình vận động và phát triển của văn học, về sự hình thành và ra đời của các trào lưu, các trường phái sáng tác mà hơn thế nữa, các em sẽ hiểu hơn về cuộc đời, con người và chính mình.
Các tác phẩm văn học không chỉ giúp cho các em sự học hỏi về kĩ thuật viết mà còn về tri thức, vốn sống, để từ đó, bài văn của các em là sự kết hợp hài hòa giữa sự trưởng thành trong cách viết, giọng điệu với sự trưởng thành và chín chắn trong ý tưởng, tình cảm mà các em đã thổi hồn vào bài viết.
Đọc hiểu văn chương, trên hết, là hành trình đối thoại giữa người đọc với con người trong tác phẩm - và sâu xa hơn, với chính bản thân mình. Khi học sinh đọc và thấu hiểu số phận bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” (Nguyễn Quang Sáng), các em không chỉ cảm nhận được tình cha con thiêng liêng giữa chiến tranh khốc liệt, mà còn học cách trân trọng những mối quan hệ tưởng chừng bình dị trong cuộc sống hằng ngày.
Hoặc khi tiếp cận nhân vật Tràng trong “Vợ nhặt” (Kim Lân), các em nhận ra rằng ngay cả trong đói nghèo cùng cực, con người vẫn luôn hướng về tổ ấm, tình thương và niềm hy vọng.
Mỗi tác phẩm văn học như một tấm gương soi chiếu những cung bậc cảm xúc, những lựa chọn đạo đức, những khát vọng sâu kín của con người. Qua đó, học sinh không chỉ mở rộng hiểu biết về xã hội, lịch sử, thân phận con người mà còn được dịp nhìn lại chính mình: mình sẽ cư xử thế nào nếu ở trong hoàn cảnh ấy, mình đã từng trải qua cảm xúc tương tự chưa, và mình rút ra được gì?
Văn chương, bằng sức mạnh ngôn từ và chiều sâu nhân bản, chạm vào những góc khuất trong tâm hồn, giúp các em trưởng thành hơn trong suy nghĩ và ứng xử với cuộc đời.
Có thể nói, đọc hiểu không chỉ là một kỹ năng ngôn ngữ, mà còn là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa cảm thụ văn học, tư duy phản biện và phát triển nhân cách cho học sinh.
Trong quá trình dạy học Ngữ văn, việc chú trọng đến đọc hiểu chính là cách nuôi dưỡng tình yêu văn chương, khơi dậy khả năng cảm nhận cái đẹp, cái thiện trong cuộc sống, đồng thời giúp các em hình thành vốn tri thức nền tảng và những giá trị sống sâu sắc.
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, đọc hiểu không thể chỉ dừng ở việc “đọc để trả lời câu hỏi”, mà cần được triển khai như một hoạt động học tập mang tính khám phá, trải nghiệm và đối thoại.
Để làm được điều đó, người giáo viên cần đổi mới tư duy dạy học, thiết kế những hoạt động đọc hiểu đa dạng, linh hoạt, và đặc biệt là khơi gợi ở học sinh niềm vui khi đọc, khi hiểu, và khi sống cùng văn bản. Chỉ khi ấy, môn Ngữ văn mới thật sự trở thành một môn học của tâm hồn và trí tuệ - nơi học sinh không chỉ học cách viết hay, nói đúng, mà còn học cách làm người.