Ngành giáo dục huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đang phát huy tốt vai trò đội ngũ cốt cán khi triển khai chuyển đổi số.
Với mục tiêu triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số, ngành giáo dục Phú Bình (Thái Nguyên) đã thành lập, kiện toàn đội ngũ cốt cán của từng nhà trường, gồm lãnh đạo và cán bộ Phòng GD&ĐT, đại diện Ban giám hiệu, giáo viên Tin học, giáo viên có kinh nghiệm, trình độ về công nghệ thông tin. Đội ngũ cốt cán này đã giúp cho việc ứng dụng chuyển số trong quản lí, dạy học được lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ.
Hiện 100% nhà trường trên địa bàn đã vận dụng hiệu quả các hình thức dạy học trực tuyến thông qua nền tảng ứng dụng LMS, OLM, K12 online, Microsoft Teams, Zoom, Google meet; ứng dụng phần mềm Azota về kiểm tra đánh giá học sinh… Những phương thức này chủ yếu được sử dụng trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn học sinh ôn tập, giao bài tập nhóm…
Nhiều trường đã triển khai hoạt động “giáo dục kết nối” nhằm tạo môi trường học tập gắn kết người học, giáo viên giữa các trường trong và ngoài địa bàn thông qua hệ thống trực tuyến, giúp thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường để cùng nhau chia sẻ, trao đổi và nâng cao chất lượng giáo dục.
Đáng chú ý, nội dung giáo dục kĩ năng công dân số cũng đã được đưa vào giảng dạy ở cấp Tiểu học thông qua môn Tin học. Điều này giúp trẻ sớm được tiếp xúc, làm quen và xây dựng những kỹ năng cần thiết trong bối cảnh mới.
Việc giáo viên chủ động tích hợp công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm trình chiếu, kết hợp các phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, AI đã giúp cho hiệu quả dạy học được nâng cao, cùng với nhiều sáng tạo mới mẻ trong hoạt động dạy học.
Trường Tiểu học Hương Sơn (Phú Bình) năm học này có 1.036 học sinh, 56 cán bộ giáo viên, với 30 phòng học và 5 phòng chức năng, máy tính. Tất cả các phòng đều được trang bị tivi, máy chiếu; 100% giáo viên thành thạo sử dụng nền tảng OLM. Việc quản lí chuyên môn và công việc của giáo viên được nhà trường thực hiện hoàn toàn bằng hồ sơ điện tử.
Kết quả này có một phần quan trọng từ sự tích cực của đội ngũ cốt cán của nhà trường trong chuyển đổi số, trong đó có những giáo viên trẻ nhiệt huyết như thầy giáo Triệu Lâm Tùng (GVCN lớp 4A4).
“Ứng dụng công nghệ số đem lại hiệu quả rõ rệt, người dạy phát huy được nhiều tiện ích, học liệu, đồng thời học sinh cũng tỏ ra rất hứng thú với việc học tập qua những tương tác mới mẻ sinh động” - thầy giáo Triệu Lâm Tùng chia sẻ.
Tại trường Tiểu học Thanh Ninh (Phú Bình) với 780 học sinh, 44 cán bộ giáo viên, trang bị đầy đủ máy tính, tivi, máy chiếu cho các phòng học và phòng chức năng. Nhờ đó, việc triển khai học bạ số, giáo án điện tử, ứng dụng AI và sử dụng OLM trong dạy học khá thuận lợi, giáo viên luôn nhập cuộc với tinh thần sẵn sàng.
Nhờ đội ngũ cốt cán, phong trào học AI phục vụ dạy học đã lan tỏa trong cả trường. Các thầy cô học từ các lớp tập huấn, rồi học tập lẫn nhau, người đã biết hướng dẫn người chưa biết, bắt nhịp khá nhanh về các ứng dụng công nghệ.
Bà Vũ Thị Phương, Hiệu trưởng Nhà trường trao đổi: Vai trò của đội ngũ cốt cán trong việc chuyển đổi số của nhà trường rất quan trọng, đặc biệt là trong việc hỗ trợ những giáo viên đã cao tuổi để giúp mọi người bắt nhịp, sử dụng được công nghệ. Có giáo viên đã tự bỏ tiền cá nhân đi học về AI, sau đó truyền đạt hướng dẫn lại cho đồng nghiệp.
"Cán bộ giáo viên nhà trường, đặc biệt là đội ngũ cốt cán và giáo viên chủ nhiệm còn tích cực trao đổi, hướng dẫn phụ huynh học sinh để gia đình nắm bắt đầy đủ hơn về ứng dụng số, đồng hành sát sao hơn với con trong quá trình sử dụng công nghệ phục vụ học tập" - bà Vũ Thị Phương nhấn mạnh.
Ông Dương Thanh Trọng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phú Bình (Thái Nguyên) cho biết: Việc thành lập, kiện toàn đội cốt cán đã đem lại những hiệu quả tích cực trong việc tham mưu và hỗ trợ triển khai thực hiện nhiều nội dung quan trọng như chính sách để triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin lĩnh vực quản lý giáo dục - quản trị cơ sở giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học…