Vai trò khối ngành Khoa học xã hội thêm đậm nét trước 'cơn bão' ChatGPT

Anh Tú | 22/02/2023, 06:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ứng dụng ChatGPT đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu. 

Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, thành tựu của khoa học công nghệ (KHCN) càng phát triển rực rỡ, các giá trị nền tảng thuộc lĩnh vực khoa học xã hội (KHXH) ngày càng có vị thế và vai trò lớn hơn.

AI mở ra kỷ nguyên mới

Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ DTT, nhìn nhận ChatGPT là một sự “tiến hóa” từ công cụ tìm kiếm. Điểm mới là ChatGPT có thể trao đổi dưới hình thức ngôn ngữ giống như một người đang trao đổi với chúng ta. Điều đó có nghĩa là ChatGPT có khả năng hiểu được câu hỏi đặt ra theo ngữ cảnh cũng như dạng câu hỏi có hàm ý.

“Sau khi xử lý thông tin có được, Chat GPT tạo ra những câu trả lời rất mạch lạc, dễ hiểu và liên tục trong mạch trao đổi giữa hai bên. Đây chính là cơ sơ nền tảng khiến nhiều người dùng nghĩ nhiều nhóm ngành nghề sẽ biến mất trong tương lai khi AI phát triển lên tầm cao mới. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy, bởi sản phẩm và thành tựu công nghệ nào cũng đều cần có sự can thiệp và xử lý bởi con người”, ông Trung nói.

Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đóng vai trò nền tảng trong định hướng phát triển mọi mặt của thế giới trong tương lai, các ngành nghề sử dụng lao động chắc chắn cũng cần sự thay đổi và tương thích để phù hợp hơn với kỷ nguyên số.

Theo ông Nguyễn Minh Hậu, Giám đốc truyền thông và tuyển sinh của Trường ĐH Văn Hiến, AI sẽ gián tiếp thúc đẩy vai trò và tầm quan trọng của nhóm ngành KHXH (tâm lý, xã hội học, nhân chủng học, khoa học chính trị, văn hóa học, hay các nhóm ngành giáo viên) cùng nhu cầu nhân lực của nhóm ngành này ở tương lai, khi xu hướng chọn nhóm ngành học chuyên về CNTT, AI sẽ tăng trưởng nóng.

“Một xã hội dù có hiện đại đến đâu, văn minh đến cỡ nào thì những nền tảng cơ bản, cốt lõi phục vụ cho đời sống văn hóa, tinh thần của con người vẫn sẽ luôn tồn tại. Robot, hay trí tuệ nhân tạo không thể mang lại cho người đối thoại với nó cảm xúc thật, sự chia sẻ và lắng nghe ở vai trò của một chuyên gia tư vấn tâm lý, hay trị liệu tâm lý. AI cũng không thể hoàn toàn thay thế con người để tương tác và mang lại các sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh, có cảm xúc như các chuyên gia ngành Ngôn ngữ hay Văn hóa học.

Đặc biệt, với vai trò là giáo viên, AI sẽ không thể thay thế hoàn toàn mà chỉ có thể hỗ trợ, giúp con người tạo dựng nên các môi trường tương tác giảng dạy tốt hơn. Bởi thực tế, AI (hay ứng dụng ChatGPT) đang “làm mưa làm gió” vẫn còn nhiều điểm hạn chế như thiếu hiểu biết chuyên môn. Nó cũng không có khả năng suy nghĩ, cảm nhận và tư duy như con người.

Công cụ này được huấn luyện trên rất nhiều dữ liệu, nhưng vẫn còn không hiểu rõ về một số chuyên môn cụ thể hoặc từ mới. Ngoài ra, ChatGPT còn gặp khó khăn trong việc xử lý ngôn ngữ với ý nghĩa đặc biệt như ẩn dụ, hoán dụ… đặc trưng của tiếng Việt...”, ông Hậu nói.

Với xu hướng các trường đang ồ ạt mở và tuyển sinh nhóm ngành về CNTT, AI, Khoa học máy tính, thí sinh được dự báo sẽ chạy theo thị hiếu và nhu cầu trước mắt. Tuy nhiên, các chuyên gia lao động cho rằng chỉ sau một thời gian rất ngắn thị trường nguồn nhân lực sẽ bị bão hòa.

“Một xã hội phát triển không thể phát triển lệch một vai, giống như một học sinh không chỉ học tập và tích lũy nền tảng kiến thức công nghệ, kiến thức về kinh tế, mà bỏ đi các giá trị và nền tảng văn hóa, xã hội, đạo đức qua các môn học khối xã hội. Vì vậy, trong tương lai xa nhu cầu về nguồn nhân lực khối KHXH sẽ tăng mạnh như ngôn ngữ học máy tính, tâm lý, chuyên gia về xây dựng data ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ tiếng Việt”, TS Nguyễn Quang Tiệp nói.

Vai trò khối ngành Khoa học xã hội thêm đậm nét trước 'cơn bão' ChatGPT ảnh 1

Ứng dụng ChatGPT thực chất chỉ là công cụ hỗ trợ con người.

Nhóm ngành KHXH không thể biến mất

PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng ChatGPT chỉ là phần mềm mang tính dự đoán, không có khả năng tư duy như con người. Vì vậy, chúng ta không nên kỳ vọng nó thay thế con người trong “một sớm một chiều”.

Đồng quan điểm với nhận định trên, ThS Phùng Quán, chuyên gia tư vấn tuyển sinh từ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết ông nhận được rất nhiều câu hỏi băn khoăn của học sinh khi đi tư vấn về triển vọng và cơ hội nghề nghiệp của nhóm ngành KHXH và Khoa học cơ bản, khi ChatGPT có thể viết một bài luận, xây dựng một khung tham chiếu cho bài báo khoa học hay có thể dựng và viết một code cho phần mềm khi được gợi ý.

“Thực tế, dù ChatGPT đạt đến độ thông minh khiến thế giới ngỡ ngàng nhưng vẫn là một sản phẩm được tạo ra bởi các chuyên gia trí tuệ nhân tạo. Hệ thống được con người huấn luyện dựa trên nền tảng học sâu và phương thức tối ưu hóa các kho dữ liệu. Những phần mềm như ChatGPT luôn cần đội ngũ chuyên gia thường xuyên cập nhật và tích hợp thêm tính năng mới.

Vì vậy, có thể khẳng định AI không thể thay thế con người, thậm chí với những lỗi ngôn ngữ và khoảng trống trong việc thể hiện cảm xúc… các ứng dụng được phát triển dựa trên nền tảng AI vẫn chỉ là công cụ hỗ trợ con người. Vai trò của con người vẫn là trung tâm trong cuộc cách mạng số”, ThS Phùng Quán nói.

ThS Trần Nam, Giảng viên Xã hội học truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM, cũng cho rằng chúng ta không nên quá lo lắng vì AI đang trở nên thông minh hơn và làm nhiều việc của con người. Khi Google xuất hiện, chúng ta cũng từng có cảm giác tương tự như hiện nay nhưng như chúng ta thấy, Google đã giúp con người rất nhiều. Điều quan trọng nhất là cần có phương cách thích nghi, khiến AI phục vụ cho sự tiến bộ của loài người và hạn chế tối đa những mặt trái của nó.

“Nền giáo dục cũng cần thay đổi để thích nghi và tích hợp AI vào trong chương trình đào tạo một cách có lộ trình. Người học cũng cần thay đổi cách học theo hướng chủ động và sáng tạo. AI rất có ý nghĩa trong việc thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ nhu cầu của con người.

Nó cũng đang được ứng dụng rất nhiều vào công nghệ tìm kiếm, phân loại đối tượng, tư vấn trực tuyến trong các lĩnh vực dịch vụ. AI cũng cần được ứng dụng triệt để hơn vào trong các lĩnh vực như: Cứu hộ cứu nạn, bảo vệ môi trường, cảnh báo sớm…

AI hiệu quả, giúp công việc của con người thuận lợi hơn, nhưng AI sẽ không thể thay thế vai trò cho một chuyên gia tư vấn tâm lý, nhà ngôn ngữ học hay một nhà khoa học bởi đơn giản là nó không có cảm xúc như con người”, ThS Trần Nam khẳng định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vai trò khối ngành Khoa học xã hội thêm đậm nét trước 'cơn bão' ChatGPT