Việc vận động học sinh không thi lớp 10 trường công không chỉ xuất hiện tại Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác...
Hiện tượng tư vấn, vận động học sinh có học lực chưa tốt không thi vào lớp 10 THPT công lập vì sợ ảnh hưởng đến thành tích chung của thầy cô và nhà trường lại được dư luận, phụ huynh nhắc đến.
Đã hơn 2 tuần trôi qua kể từ khi con hoàn thành đăng ký dự thi vào lớp 10 nhưng chị Nguyễn Thị Thảo (Ứng Hòa, Hà Nội) không khỏi bức xúc khi liên tục nhận được tư vấn của giáo viên về lực học của con cùng lời khuyên không nên thi vào trường công lập, chỉ chọn học giáo dục thường xuyên.
Chị Thảo cho rằng dù có điểm kiểm tra khảo sát không cao nhưng con vẫn có nguyện vọng thi vào một trường công lập. Do đó, chị đã bỏ qua lời khuyên của cô giáo chủ nhiệm để đăng ký cho con dự thi vào 2 trường THPT công lập trên địa bàn.
“Đây là lựa chọn khó bởi điểm số của con không cao. Cô giáo cũng đưa ra lời khuyên nên chọn sớm các trường nghề hoặc giáo dục thường xuyên bởi nếu thi cũng không đỗ, các phụ huynh khác nghe tư vấn đều lựa chọn như vậy. Nhưng với nguyện vọng được thi của con, tôi vẫn quyết định đăng ký dự thi”, chị Thảo nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Hồng Hạnh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Năm trước trên địa bàn quận có sự việc phụ huynh phản ánh nhà trường vận động kiểu ép buộc không cho học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10. Năm nay không còn tình trạng trên, nhưng qua lời kể của con, giáo viên vẫn tư vấn cho học sinh có học lực kém không nên dự thi vào lớp 10 công lập.
Việc vận động học sinh không thi lớp 10 trường công không chỉ xuất hiện tại Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác. Anh Lê Minh Lai - phụ huynh học sinh ở quận Lê Chân (Hải Phòng) chia sẻ: Vào thời gian chốt số lượng học sinh dự thi vào lớp 10, nhà trường tổ chức buổi họp “đặc biệt” với những phụ huynh học sinh có học lực yếu, kém hoặc trung bình. Tại buổi họp, giáo viên khuyên phụ huynh nên lựa chọn cho con theo học trường nghề hoặc giáo dục thường xuyên bởi với sức của học con không thể thi đỗ trường công lập.
“Tôi luôn phản đối cách tư vấn này bởi việc thi hay không là quyền lựa chọn của các con. Nhiều trẻ có kết quả thi học kỳ không cao nhưng vẫn đỗ vào các trường công lập. Thêm vào đó, hiện phụ huynh có nhiều lựa chọn cho con sau khi biết kết quả thi nên các thầy cô không nhất thiết phải định hướng học sinh không nên thi từ trước. Việc này ảnh hưởng đến quyền lợi học tập và thi chính đáng của các con”, anh Lai nói.
Liên quan đến việc viết đơn xin không tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10 gây xôn xao dư luận, Phòng GD&ĐT huyện Hóc Môn, TPHCM quyết định nhắc nhở cô Nguyễn Thị Thanh Phương - Trường THCS Nguyễn Văn Bứa về công tác quản lý chung, công tác tuyển sinh cho học sinh đúng với tinh thần chỉ đạo của trưởng phòng GD&ĐT tại cuộc họp giao ban với hiệu trưởng ngày 2/5. Ngày 13/5, phòng tổ chức họp nhắc nhở, kiểm điểm các cá nhân có liên quan, để rút kinh nghiệm trong toàn ngành. Với trường hợp đăng ký không vào trường công lập được hướng dẫn thay đổi đăng ký nguyện vọng lần 1 hạn chót là 16 giờ ngày 12/5 (nếu có).
Học sinh Trường THCS Thuần Mỹ (huyện Ba Vì, Hà Nội) ôn thi vào lớp 10. Ảnh: TG |
Nhìn thẳng vào hiện tượng này, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: Thi vào lớp 10 THPT công lập là quyền hợp pháp của học sinh. Không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi của các em. Do đó, các phòng GD&ĐT, nhà trường cần nêu cao tinh thần tôn trọng quyền lợi, tạo điều kiện để các em đăng ký thi lớp 10 công lập nếu có nguyện vọng.
Tại công văn gửi các phòng GD&ĐT về công tác tổ chức dạy học trong học kỳ II, tổng kết năm học 2023 - 2024 cấp THCS được ban hành vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục nêu rõ: Việc định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2024 - 2025, sở yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm nếu có tình trạng nêu trên.
Đồng thời quán triệt, chỉ đạo các trường THCS trên địa bàn tuyệt đối không vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2024 - 2025 và các năm tiếp theo (nếu có).
Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ. Công tác phân luồng sau cấp THCS, các nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.
Đối với việc ôn tập cho học sinh lớp 9, căn cứ quy định cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 và đề thi minh họa do sở GD&ĐT ban hành, sở đề nghị các trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập, tiến hành các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá để phân luồng học sinh.
Căn cứ vào điều kiện thực tiễn của đơn vị tổ chức, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu khảo sát chất lượng học sinh lớp 9 các môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh đảm bảo chặt chẽ, đúng quy chế, hiệu quả, có tác dụng tích cực cho việc ôn luyện và chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10.
Đặc biệt, các đơn vị cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ của thí sinh; trường hợp không đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp, dự thi lớp 10 phải thông báo cho học sinh, cha mẹ học sinh theo đúng quy định.
Nhiều năm giảng dạy tại trường phổ thông, chuyên gia giáo dục TS Lê Thống Nhất cho rằng, học sinh học lớp 9 có quyền thi vào lớp 10 công lập. Nếu dùng mọi cách để các em không đăng ký hoặc không cho đăng ký là vi phạm quyền được học, thi. Điều này gây bức xúc trong xã hội, trở thành vấn đề bạo lực học đường vì ảnh hưởng đến tâm lý người học.