Tiến độ dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đạt 78,53%. Trong đó đoạn trên cao đạt 100%, đoạn ngầm đạt 34,5%.
Sở KH-ĐT vừa báo cáo UBND TP Hà Nội tình hình thực hiện các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn tính đến tháng 6/2024.
Cụ thể, tiến độ dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đạt 78,53%. Trong đó đoạn trên cao đạt 100%, đoạn ngầm đạt 34,5%. Công tác giải phóng mặt bằng các ga ngầm đã hoàn thành, bàn giao toàn bộ cho các nhà thầu thi công.
Về việc chuẩn bị vận hành trước đoạn trên cao, theo Sở KH-ĐT, các công việc xây lắp, lắp đặt và thử nghiệm hệ thống các gói thầu đều đã hoàn thành. Tư vấn Systra đã cấp Chứng chỉ nghiệm thu bàn giao hoàn thành (TOC) cho từng gói thầu.
Sau khi có chứng nhận an toàn hệ thống và báo cáo thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống của Cục Đường sắt Việt Nam, Hội đồng sẽ tổ chức họp phiên kết luận và có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành đoạn trên cao dự án, dự kiến vào đầu tháng 7/2024.
Đoạn trên cao metro Nhổn- Ga Hà Nội đã sẵn sàng để khai thác từ đầu tháng 7 tới đây
Hiện tại, Tư vấn ABC đang tiến hành đánh giá nhằm mục tiêu đạt được chứng chỉ chứng nhận an toàn hệ thống dự kiến ngày 20/6, chậm hơn so với kế hoạch ban đầu 3 tuần. Nguyên nhân do quá trình vận hành thử mở rộng kéo dài hơn dự kiến.
Việc này sẽ tác động tới các ngày mốc dự kiến hoàn thành của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thẩm định, đánh giá, kiểm tra và công nhận kết quả hoàn thành dự án, đủ điều kiện vận hành thương mại.
Với tuyến metro số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, dự án gồm 6 gói thầu chính sử dụng vốn vay ODA.
Trong đó, gói thầu Tư vấn chung đã hoàn thành báo cáo rà soát thiết kế cơ sở, dự án điều chỉnh, hồ sơ mời thầu.
Các gói thầu còn lại đã hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn danh sách ngắn trong giai đoạn 2013-2015.
Hiện các gói thầu sử dụng vốn vay ODA chưa triển khai thực hiện do đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh dự án.
Về GPMB và tái định cư, khu vực depot diện tích thu hồi là 17,58ha, đã GPMB được 100% diện tích đất nông nghiệp, đất cơ quan, đất quốc phòng. Phần đất ở đang thực hiện các thủ tục kiểm đếm GPMB.
Phần ga trên cao đã GPMB được khoảng 92% diện tích, phần ga ngầm đã thực hiện GPMB khoảng 79% diện tích.
Giá trị khối lượng thực hiện theo tiến độ thực hiện hợp đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện mới có gói thầu Tư vấn chung được triển khai. Giá trị đã thực hiện là 592 tỷ đồng/ 1.973 tỷ đồng đạt 30% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, hợp đồng Tư vấn chung đã tạm dừng từ tháng 7/2019 do Hiệp định vay hết hạn và chưa phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
5 gói thầu xây lắp, thiết bị còn lại chưa triển khai đấu thầu do đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh dự án.
Được biết, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội. Tư vấn lập dự án là Liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 11,5km (trong đó đoạn đi ngầm dài 8,9km; đoạn đi trên cao dài 2,6km) và 1 khu Depot.
Công trình bao gồm 10 ga gồm 3 ga trên cao và 7 ga ngầm Cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ như đầu máy toa xe, các hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động...
Ban đầu dự kiến, dự án thi công và hoàn thành từ năm 2009-2015. Tuy nhiên, do việc điều chỉnh dự án nên dự kiến thời gian điều chỉnh 2009-2031.
Tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 19.555 tỷ đồng (tương đương 131.023 triệu Yên Nhật). Tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh là 35.588 tỷ đồng. Nguyên nhân do thay đổi về quy mô đầu tư, thay đổi tỷ giá quy đổi.
Cùng đó là do biến động về giá đối với nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công và thay đổi chế độ chính sách tiền lương; do thay đổi tỷ lệ trượt giá; thay đổi chế độ chính sách và các quy định của nhà nước liên quan đến quản lý chi phí đầu tư.