Khác với Trung Quốc, Nhật Bản không có ngày nhà giáo nhưng “tôn sư trọng đạo” đã ăn sâu vào văn hóa nơi này. Người dân Nhật Bản dành sự tôn kính sâu sắc dành cho giáo viên.
Chẳng hạn, trên các phương tiện di chuyển công cộng, người dân sẽ nhường chỗ cho giáo viên. Giáo viên được miễn xếp hàng, được giảm giá tại một số cửa hàng. Bất kể tuổi tác, giáo viên được mọi người gọi bằng đại từ “sensei”, một danh hiệu kính trọng dành cho những người có học thức như thầy cô, bác sĩ, chính trị gia...
Văn hóa “tôn sư trọng đạo” đã truyền qua bao thế hệ ở Nhật Bản và những đứa trẻ lớn lên giữa tinh thần này. Lấy người lớn làm gương, những đứa trẻ dù chưa hiểu chuyện nhưng đã biết giáo viên là những người cần phải kính trọng, tôn kính. Đến khi đi học, các em được giáo dục để hiểu hơn về tinh thần “tôn sư trọng đạo”.
Khi tiết học bắt đầu, điều đầu tiên học sinh Nhật Bản làm là cúi chào giáo viên. Từng được dự giờ các tiết học tại Nhật Bản, phóng viên Celia Hatton, làm việc hãng CBS News (Australia), đánh giá cử chỉ nhỏ này nói lên nhiều điều. Đó là hành động đầu tiên mỗi ngày nhắc nhở học sinh về sự tôn trọng dành cho thầy cô.
Ngoài ra, trong những dịp đặc biệt như hoàn thành kỳ thi, tốt nghiệp, học sinh sẽ bày tỏ lòng biết ơn giáo viên bằng cách kiệu giáo viên vòng quanh trường. Truyền thống này bắt nguồn từ hình ảnh học sinh của một lớp học cõng thầy giáo trên lưng trong buổi lễ tốt nghiệp và từ đó lan rộng ở nhiều trường phổ thông trong nhiều thập kỷ.
Tôn trọng giáo viên là xương sống trong hệ thống trường học Nhật Bản. Vì tôn trọng, học sinh nghe lời giáo viên, phấn đấu học tập. Về phía giáo viên được tôn trọng, họ sẽ cảm thấy vinh dự, tự hào, thúc đẩy tự bồi dưỡng và nâng cao chuyên môn đào tạo.
Đó cũng là lý do góp phần vào thành công của chất lượng giáo dục Nhật Bản dù trong nhiều thập kỷ, nước này chi tiêu cho giáo dục thấp nhất trong số các nước phát triển, theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Giáo viên là nghề được tôn trọng tại Nhật Bản. |
Còn tại các quốc gia châu Á khác, học sinh có nhiều cách độc đáo thể hiện sự tôn trọng giáo viên. Trước khi bắt đầu tiết học, học sinh Indonesia thường hôn vào mu bàn tay giáo viên. Ý nghĩa của hành động này là học sinh yêu quý thầy cô như cha mẹ thứ hai của mình.
Thái Lan có lễ “Wai Kru”, tổ chức vào thứ Năm bất kỳ trong tháng 6 hoặc tháng 7. Người Thái quan niệm thứ Năm là ngày của thần trí tuệ Brihaspati nên trong ngày này, học sinh sẽ bày tỏ lòng biết ơn với giáo viên.
Thực hành văn hóa này bắt nguồn từ niềm tin rằng giáo viên giữ vị trí đặc biệt trong xã hội, như cha mẹ trong gia đình. Lễ “Wai Kru” vừa là cơ hội để học sinh bày tỏ lòng biết ơn giáo viên, vừa là phương pháp giáo dục học sinh về truyền thống “tôn sư trọng đạo”.
Trong lễ “Wai Kru”, học sinh sẽ cầm hoa, quỳ gối trước thầy cô và đọc những lời chúc tốt đẹp dành cho giáo viên. Sau khi cầu nguyện, các em sẽ dâng tặng những bó hoa được trang trí cầu kỳ, đẹp mắt cho giáo viên.
Ngoài châu Á, các chuyên gia đã từng thực hiện nhiều nghiên cứu cho thấy châu Phi có mức độ tôn trọng giáo viên cao hơn Mỹ và châu Âu. Đơn cử ở Nam Phi, người dân dành sự kính trọng, yêu quý đối với giáo viên vì họ nhận thức rằng giáo dục mang lại cho con cái tương lai tốt đẹp hơn, nhất là giáo viên tình nguyện đến từ các tổ chức phi chính phủ.
Họ sẽ mời giáo viên đến nhà ăn tối, trò chuyện hoặc tham gia các buổi tiệc tùng, lễ hội. Họ luôn nhắc nhở con cái phải nghe lời, ngoan ngoãn và tôn trọng giáo viên. Khi đến trường, học sinh cố gắng chăm chú nghe giảng, làm bài tập, hạn chế bỏ học là những cách các em bày tỏ niềm biết ơn đối với người thầy của mình.
Giáo viên giúp học sinh nhận thức đúng tầm quan trọng của học tập. |
Tuy nhiên, cần lưu ý mức độ tôn trọng giáo viên tại châu Phi là không đồng đều, phụ thuộc vào trình độ học vấn, điều kiện của khu vực. Có những nơi tại châu Phi, giáo viên rất được tôn trọng nhưng cũng có những nơi, học sinh không nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, nên còn thiếu tôn trọng giáo viên.
Do đó, khi giáo viên tình nguyện từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hoặc Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) đến châu Phi, họ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của học tập với mong muốn học sinh nhận thức đúng về giáo dục.
Bên cạnh hỗ trợ giáo viên nông thôn, lực lượng chiếm số đông trong hệ thống giáo dục Trung Quốc, nước này còn tăng cường quan tâm, chăm lo cho giáo viên. Về mặt chuyên môn, giáo viên được bồi dưỡng hàng năm; nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin, ngoại ngữ; thử nghiệm giải pháp giảng dạy sáng tạo... Ngoài ra, giáo viên được tăng lương nếu cống hiến cho ngành Giáo dục, được chia sẻ gánh nặng công tác hành chính, hỗ trợ thường xuyên và liên tục...