Lệch lạc
Những năm gần đây, những “giang hồ mạng” như Phú Lê được một bộ phận giới trẻ tung hô như một dạng thần tượng kiểu mới. Nhiều sản phẩm phim ảnh trên mạng về đề tài “giang hồ” như Chạm mặt giang hồ, Bố già đường biên, Dòng máu giang hồ, Luật lệ giang hồ, Tỷ phú đè đại gia… hút cả chục triệu lượt xem.
Những nhân vật này sở hữu lượng người theo dõi “khủng”, như kênh của Phú Lê (2,2 triệu đăng ký, 171 triệu lượt xem), Ngân “trọc” (gần 200.000 lượt đăng ký, 22,6 triệu lượt xem)… Dựa vào sự nổi tiếng trên mạng, nhiều người thường xuyên livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội để bán hàng online, thu hút hàng nghìn người xem, bình luận và đặt mua sản phẩm.
Khá Bảnh (trái), Huấn Hoa Hồng có nhiều video phản cảm
Trước khi bị bắt, Khá Bảnh (Ngô Bá Khá) ngồi nhà livestream bán hàng cho các cửa hàng online. Kênh YouTube của Khá Bảnh kiếm từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng/tháng, được tặng Nút vàng. Nhân vật này thường xuyên đăng tải video đập phá đồ đạc, dàn hàng trên đường phố gây ách tắc giao thông. Thông qua phim ảnh, video ca nhạc có lời lẽ phản cảm, bạo lực, các “giang hồ mạng” cũng tiêm nhiễm vào giới trẻ phát ngôn lệch lạc, xuyên tạc như cần cù thì bù siêng năng… (viết đúng cần cù bù thông minh).
Lý giải về văn hóa thần tượng lệch lạc, TS Tuấn Anh cho rằng, những đối tượng này đánh đúng vào tâm lý người trẻ - thích mới mẻ, giật gân, ưa thể hiện bản thân. Những sản phẩm họ tạo ra, câu chuyện họ đưa lên xoáy vào thị hiếu người trẻ thích “nổi máu anh hùng”, sống bất cần. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với công chúng ở lứa tuổi học sinh, sinh viên đang trong giai đoạn phát triển, muốn thể hiện với xã hội.
“Nhìn vào những giang hồ mạng, các em học sinh có thể nghĩ rằng trong xã hội có những người không cần học hành, tu dưỡng vẫn dễ dàng nổi tiếng nên học theo. Giang hồ mạng làm không ít bạn trẻ có quan niệm sai lệch về văn hóa thần tượng”, TS Tuấn Anh nêu. Ông cho biết, người trẻ, người dùng mạng xã hội cần tiếp cận, chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm. Gia đình, nhà trường có vai trò dạy con trẻ cách sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả, có sự chọn lọc thông tin. Người lớn góp phần quan trọng giúp trẻ em có tấm lá chắn bảo vệ, đề kháng trước những sản phẩm xấu.
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường quản lý các sản phẩm đăng tải trên mạng xã hội và đưa ra chế tài xử phạt đủ sức răn đe. “Mức phạt 15-20 triệu đồng không đáng là bao so với số tiền mà các nhân vật này thu được từ quảng cáo, lượt xem trên mạng xã hội”, TS Tuấn Anh nhận định.