Sân chơi nóng ngày càng hút nhà đầu tư mới
Sau khi có những khởi đầu không mấy tích cực trong quý 1/2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự phục hồi ấn tượng sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục có 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm. Theo đó, chỉ số VN-Index bắt đầu xu hướng tăng trưởng và hồi phục mạnh mẽ kể từ đầu quý 2. Đặc biệt, trong tháng 7/2023, chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.200 điểm, đạt mức cao nhất trong 10 tháng qua và kết thúc tháng với 1.222,9 điểm.
Nhịp tăng điểm vượt trội của VN-Index trong tháng 7 đã góp phần giúp hiệu suất thị trường chứng khoán Việt Nam (+21,4% so với đầu năm) vượt qua nhiều thị trường chứng khoán lớn khác như Mỹ (+19,3%), Hàn Quốc (+17,7%) và chỉ xếp sau Nhật Bản với mức tăng 27,1%. Kể từ đầu năm 2023, chỉ số HNX-Index cũng tăng 16,7% và UPCOM-Index tăng 24,6%.
Xu hướng tăng điểm vẫn tiếp tục được duy trì trong tuần đầu tiên của tháng 8. Xét cho cả tuần giao dịch từ 31/07-04/08, chỉ số VN-Index tổng cộng tăng 18,31 điểm (+1,52%), HNX-Index tăng 4,87 điểm (+2,05%). Thanh khoản trên sàn HoSE trung bình đạt 22.879 tỷ đồng. Trong đó thanh khoản trung bình của HNX-Index đạt 1.976 tỷ đồng.
Cùng với sự phục hồi về điểm số, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư mới. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 150.407 tài khoản chứng khoán trong tháng 7. Dù con số này chỉ tăng gần 5.000 tài khoản mở mới so với tháng trước, song vẫn thiết lập mức cao nhất trong vòng 11 tháng kể từ tháng 8 năm ngoái. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội gia tăng sau khi chạm đáy vào tháng 4.
Lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục tăng trong 3 tháng gần nhất
Thống kê cho thấy, nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực lượng nòng cốt khi mở mới đến 150.351 tài khoản chứng khoán vào tháng 7 vừa qua trong khi các NĐT tổ chức mở mới 56 tài khoản. Tính đến cuối tháng 7, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,4 triệu tài khoản, tương đương hơn 7,4% dân số.
Cũng trong tháng 7 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 212 tài khoản, tăng nhẹ so với con số 196 tài khoản của tháng trước đó. Thời điểm cuối tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài có tổng cộng 44.094 tài khoản.
Sự gia tăng số lượng tài khoản mở mới đã góp phần giúp thị trường hồi phục mạnh trong tháng 7. VN-Index tăng tới hơn 9% cũng như thanh khoản trở nên sôi động hơn, nhiều phiên liên tục được đẩy lên ngưỡng kỷ lục mới. Giá trị giao dịch bình quân ba sàn tăng 6,9% so với tháng trước (+55,2% so với cùng kỳ) lên 21.216 tỷ đồng/phiên giao dịch. Riêng sàn HoSE, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên cả tháng 7 đạt trên 16.700 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với tháng trước và là mức cao nhất trong hơn một năm kể từ tháng 4/2022. Trong tuần đầu tiên của tháng 8, chỉ tính riêng sàn HoSE, đã có 4/5 phiên giao dịch với giá trị thanh khoản đạt trên 21.000 tỷ đồng/phiên.
Một lượng lớn tiền gửi tiết kiệm đã chảy vào thị trường chứng khoán giúp thanh khoản tăng vọt
Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục sôi động?
Thị trường chứng khoán hồi phục khá tích cực trong nửa đầu năm 2023, qua đó chạm mốc cao nhất trong vòng 10 tháng khiến nhiều nhà đầu tư tham gia "thở phào". Cũng theo giới chuyên môn, chính sách tiền tệ nới lỏng đang dần “ngấm” vào thị trường, lãi suất huy động giảm mạnh. “Tiền rẻ” thực sự thể hiện trên liên ngân hàng khi lãi suất qua đêm nằm sâu dưới 0,5%/năm. Thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan, không chỉ điểm số tăng mà giá trị giao dịch được cải thiện mạnh mẽ.
Tại Diễn đàn Phát triển thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam mới được tổ chức, ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FIDT, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết với hoạt động phân bổ tài sản cá nhân, tiền gửi tiết kiệm, chứng khoán, bất động sản là 3 kênh chính. Trong đó, đầu tư chứng khoán là một kênh phân bổ tài sản quan trọng trong hoạch định tài chính cá nhân. Ở góc độ của mình, ông Tuấn cho rằng thị trường chứng khoán đang đứng trước nhiều vận hội và lạc quan trong dài hạn.
Các chuyên gia lạc quan về sự phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua
Trong khi đó, các chuyên gia của công ty chứng khoán VNDIECT kỳ vọng, đà tăng của thị trường có thể duy trì sang đầu tháng 8 nhờ sự cải thiện kết quả kinh doanh quý II so với quý I tại một số cổ phiếu trụ cột.
Tuy vậy, VNDIECT cũng lưu ý khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh qua đi sẽ là vùng trũng thông tin và đà tăng của thị trường có thể chững lại trong giai đoạn nửa sau tháng 8. “Chúng tôi cho rằng vùng 1.240 (+/-10 điểm) có thể là vùng kháng cự mạnh của VN-Index trong tháng 8”, các chuyên gia cho biết.
Tương tự các chuyên gia của chứng khoán SSI đánh giá khi thị trường đang trải qua một nhịp tăng mạnh kéo dài, nhà đầu tư cần tuân thủ kỷ luật dừng lỗ và chốt lời theo nguyên tắc. Tuy nhiên, trong trung hạn, vẫn nhiều kỳ vọng lạc quan về xu hướng thị trường do: lộ trình tăng lãi suất của FED đã đi đến giai đoạn cuối; Trung Quốc có thể tung ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm vực dậy thị trường bất động sản; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh hơn trong nửa sau năm 2023. Rủi ro giảm điểm đến từ rủi ro tỷ giá ngoài tầm kiểm soát có thể kích hoạt đà rút vốn của nhà đầu tư.
Trong khi đó, báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết sau khi tăng hơn 100 điểm kể từ mốc 1.120, xu hướng đi lên của VN-Index đang có dấu hiệu chững khi áp lực chốt lời tăng cao tương ứng. Do đó, trong tháng 8 này, thị trường nhiều khả năng sẽ xuất hiện những phiên rung lắc để kéo chỉ số kiểm định lại lực cầu (backtest) tại kháng cự đã bị vượt qua là mức 1.200 điểm. Dựa vào biến động của VN-Index, nhóm phân tích của TPS đưa ra 3 kịch bản.
Với kịch bản cơ sở, TPS cho rằng thị trường sẽ chững lại đà tăng chuyển sang biến động sideway trong vùng 1.200 - 1.240 điểm do tháng 8 là vùng trũng của thông tin. Trong kịch bản tích cực, với việc tăng trưởng tín dụng và GDP 6 tháng đầu năm đang ở mức thấp và khó có khả năng thực hiện được mục tiêu đã đề ra. Do đó, nhóm phân tích của Chứng khoán Tiên Phong không thể loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có lần hạ lãi suất điều hành lần thứ 5 , qua đó giúp gia tăng sự hưng phấn cho nhà đầu tư cũng như thu hút dòng tiền mua mới trở lại, qua đó nối dài sóng 3 tăng với mục tiêu là vùng đỉnh 52 tuần, quanh mức 1.300 điểm.
Cuối cùng, với kịch bản tiêu cực, rủi ro sẽ đến từ sự mất giá của VND trong bối cảnh đồng sức mạnh của USD đang gia tăng, do đó VN-Index sẽ có khả năng điều chỉnh về quanh mức hỗ trợ 1.150 điểm.
Hồng Hương – Trung Kiên