Vào trường y Hàn Quốc khó hơn trúng số hay debut làm idol và nỗi ám ảnh của cả quốc gia về nghề bác sĩ

Chi Chi, | 01/03/2024, 15:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Có những người trung niên vẫn thi lại đại học vào trường y vì cho rằng như vậy vẫn tốt hơn là làm việc tại tập đoàn lớn.

Cuối năm 2023, Học viện tuyển sinh đại học Hàn Quốc Jongno Hagwon đã công bố phân tích dữ liệu cho thấy trong 5 năm qua, 2.131 sinh viên đã bỏ học tại Đại học Quốc gia Seoul (SNU), Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei, 3 viện giáo dục đại học uy tín nhất của đất nước. Theo dữ liệu khác do SNU tổng hợp và công bố vào tháng 5/2023, 6,2% trong số 3.606 sinh viên năm nhất của trường vào năm 2023 đã nghỉ học ngay sau khi đăng ký.

Kì thi đại học của Hàn Quốc vốn nổi tiếng toàn cầu là vô cùng khó và khắc nghiệt. Nhưng tại sao có hàng ngàn người "dám" sẵn sàng bỏ học tại ngôi trường đỉnh nhất, danh giá nhất nước? Lí do là vì tất cả những người này đều muốn thi lại đại học năm sau để vào trường y.

Ông Lee Man-ki của Cơ quan Đánh giá Giáo dục Uway cho biết: "Việc sinh viên nghỉ học ngay sau khi vào SNU, ngôi trường hàng đầu Hàn Quốc, là để thi lại vào các trường y, nha khoa hoặc đông y, vốn yêu cầu điểm cao hơn nữa".

Bác sĩ là một nghề được trả lương cao và có uy tín xã hội ở hầu hết các quốc gia nên việc trở thành bác sĩ là điều được mong đợi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sự ưa thích đối với nghề này rõ rệt hơn nhiều ở Hàn Quốc, nơi điểm chuẩn cho Suneung – bài kiểm tra năng lực học thuật đại học – dành cho các trường y cao hơn nhiều so với điểm yêu cầu đối với các khoa không thuộc ngành y tại các viện giáo dục đại học hàng đầu của đất nước.

Các nhà chức trách đã nỗ lực giải quyết vấn đề này trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có kết quả rõ ràng nào.

Cuộc đua trường y siêu cạnh tranh

Quá trình học lấy bằng y khoa ở mỗi quốc gia là khác nhau. Để trở thành một bác sĩ có trình độ ở Hàn Quốc, người ta cần phải hoàn thành khóa học 6 năm bao gồm giáo dục đại học, nghiên cứu tiền lâm sàng và đào tạo thực tế.

Dữ liệu từ Jongno Hagwon cho thấy để được nhận vào trường cao đẳng y tế xếp hạng thấp nhất ở Hàn Quốc, một sinh viên cần đạt thứ hạng phần trăm là 97,7, nghĩa là người đó phải vượt trội hơn 97,7% số sinh viên tham gia kỳ thi Suneung. Yêu cầu này cao hơn đáng kể so với mức giới hạn đối với các trường đại học không thuộc ngành y ở SNU, chỉ dừng tại mức 94,3%.

Để được nhận vào trường Đại học Y khoa SNU danh tiếng, một người phải đạt ít nhất 99,2 phần trăm - nghĩa là nằm trong top 0,8% trong số những người đăng ký nhập học đại học trong cùng một năm.

Nói một cách đại khái, vào được trường y có thứ hạng thấp nhất còn khó hơn được nhận vào trường "xịn" nhất toàn quốc có thứ hạng cao nhất.

Vào trường y Hàn Quốc khó hơn trúng số hay debut làm idol và nỗi ám ảnh của cả quốc gia về nghề bác sĩ - Ảnh 1.

Số lượng ứng viên lớn tuổi cũng đang gia tăng. Theo Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc, 582 người từ 26 tuổi trở lên được các trường cao đẳng y tế chấp nhận vào năm 2021, so với 130 người vào năm 2017.

Đầu năm 2023, câu chuyện về một người đàn ông họ Gwak vào trường y ở tuổi 45 đã lan truyền trên YouTube. Anh Gwak, một sinh viên tốt nghiệp SNU và đã làm việc tại một tập đoàn lớn trong 17 năm, cho biết trong video: "Khi con gái tôi chào đời sau khi tôi bước sang tuổi 41, tôi bắt đầu lo lắng về tiền bạc". Anh cho biết anh cần một công việc có thể làm việc lâu dài mà không phải lo lắng về tuổi nghỉ hưu do tập đoàn nơi anh làm việc quy định nên theo đuổi nghề bác sĩ lại từ đầu ở tuổi trung niên.

Tranh cãi về sinh viên ngành y dẫn đến thảm họa y tế toàn quốc

Hàn Quốc đang trải qua thảm họa y tế chưa từng có khi hoạt động tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế toàn quốc bị gián đoạn do có hơn 10.000 bác sĩ nội trú và bác sĩ thực tập sinh đồng loạt đình công. Lí do chính khiến họ bất mãn là vì Chính phủ đang muôn nâng cao số chỉ tiêu sinh viên ngành y hằng năm thêm 2.000 người.

Ông Seong Gwang-jin, cựu giáo viên đứng đầu Viện Giáo dục tư nhân Daejeon, tuyên bố rằng việc đóng băng giới hạn tuyển sinh đại học y hàng năm vào năm 2006 là thủ phạm chính dẫn đến tình trạng hiện nay.

Ông viết trong một chuyên mục gần đây: "Độ tuổi trung bình và thu nhập đã tăng lên trong xã hội Hàn Quốc, nên nhu cầu chăm sóc y tế tăng theo. Mặt khác, số lượng tuyển sinh tại các trường y vẫn giữ nguyên, điều này khiến vị trí bác sĩ trở thành vị trí được thèm muốn nhất và có thu nhập cao nhất".

Các bác sĩ đình công cho biết họ cần Chính phủ cải thiện điều kiện làm việc của họ trước trước khi tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y. Việc tăng chỉ tiêu cũng có thể làm "bão hòa", hạ vị thế của ngành và tăng sự cạnh tranh vốn đã quá khốc liệt. Dẫu phải làm việc vô cùng vất vả, tới 20 tiếng/ngày nhưng các bác sĩ vẫn không mong muốn có thêm nhiều bác sĩ hơn, vì như vậy khiến họ "bớt" đặc biệt hơn.

Vào trường y Hàn Quốc khó hơn trúng số hay debut làm idol và nỗi ám ảnh của cả quốc gia về nghề bác sĩ - Ảnh 2.

Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc có 2,5 bác sĩ trên 1.000 dân, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của OECD là 3,7.

Nhưng vấn đề là phần lớn sinh viên tài năng nhất đất nước chỉ tập trung vào trường y, dẫn đến thiếu hụt nhân tài ở các lĩnh vực khác. Hàn Quốc có một số trường ưu tú đào tạo các môn đa dạng nhưng số liệu thống kê cho thấy một số lượng đáng kể sinh viên ở các trường khoa học cuối cùng lại trở thành sinh viên y khoa. Có thể, không phải ai cũng đam mê việc chữa bệnh cứu người đến thế, mà khao khát học y của họ phần nhiều là đến từ nỗi ám ảnh mình phải trở thành người thuộc tầng lớp "đỉnh cao" của xã hội hơn, nhất là ở một xã hội rất coi trọng "thể diện" như Hàn Quốc.

Nguồn: Straits Times

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vào trường y Hàn Quốc khó hơn trúng số hay debut làm idol và nỗi ám ảnh của cả quốc gia về nghề bác sĩ