Nguồn cung ra thị trường trong quý đạt khoảng 20.000 sản phẩm. Hàng loạt dự án được gia hạn tiến độ, kickoff, tái kickoff,....
Lượng giao dịch trong quý ghi nhận phục hồi nhẹ, đạt khoảng 3.704 giao dịch ( xấp xỉ 18% tổng nguồn cung mở bán mới), tăng hơn 30% so với quý trước nhưng vẫn giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo bà Miền, các sản phẩm được giao dịch đều là các sản phẩm có chất lượng xây dựng cao, pháp lý minh bạch với giá thành phù hợp. Trong đó, 80% lượng giao dịch là căn hộ chung cư có pháp lý “sạch”, phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín. Phát sinh từ cả các khách hàng mua phục vụ nhu cầu ở thực và cả nhà đầu tư.
"Lượng giao dịch chỉ có thể bật tăng nếu nguồn cung trên thị trường được cải thiện với nhiều sản phẩm đa dạng, với mức giá phù hợp với thu nhập trung bình cũng như tài sản đã tích lũy của đại đa số người dân. Nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính do tình hình kinh tế chung, bị chôn vốn ở các dự án trước đó trong khi điều kiện vay mua ngày càng siết chặt", bà Miền chia sẻ.
Dữ liệu của VARS cũng cho thấy, giá bất động sản nhà ở thứ cấp, đặc biệt là sản phẩm đất nền trong dân có sự phân hóa theo phân khúc giá. Dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu thực, có giá dưới 2 tỷ đồng/sản phẩm, ghi nhận mức giá tăng khoảng 5-7% so với quý trước, một số khu vực ghi nhận hàng trăm giao dịch thành công.
"Phân khúc căn hộ chung cư tiếp tục tăng cao với nhu cầu thuê, mua tăng vọt, nhất là ở phân khúc bình dân và trung cấp. Trong khi các sản phẩm cao cấp, đầu tư giá tiếp tục có sự điều chỉnh giảm, 20-30% so với đỉnh sốt với tốc độ thanh khoản chậm, đây vẫn là mức giá “cắt lãi" khi mua trực tiếp từ chủ đầu tư của các nhà đầu tư trung, dài hạn", bà Miền cho hay.
Để thị trường sớm "đảo chiều", VARs cho rằng, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu, ban hành thêm các cơ chế, chính sách mới nhằm tăng tính đồng bộ cho các giải pháp hỗ trợ thị trường Chính phủ cần mạnh tay hơn trong việc chỉ đạo, đảm bảo thúc đẩy các nghị định/nghị quyết/thông tư đã ban hành trong 06 tháng vừa rồi phát huy được tác dụng thiết thực.