Các nhà băng cũng đều đưa ra quy định thời gian vay tối đa, phổ biến 20-35 năm với các khách hàng vay mua bất động sản. Mức vay tối đa trong khoảng từ 60 đến 80% giá trị định giá tài sản. Các ngân hàng áp dụng phí trả nợ trước hạn, trong khoảng 1-3%.
Không thể lãi lớn trong khi người dân, doanh nghiệp khốn khó!
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, vừa qua các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động nhanh, nhưng mặt bằng lãi vay đối với khách hàng cá nhân giảm chậm và rất ít, lãi vay còn đang ở mức cao. Ngân hàng chưa có chia sẻ với khách hàng.
Thống kê lợi nhuận năm 2020- 2022 của 28 ngân hàng tăng bình quân 21%, trong khi các doanh nghiệp, cá nhân lại gặp nhiều khó khăn. Tổng lãi vay mà ngành ngân hàng hỗ trợ trong năm 2022 ở mức 3.000 tỷ đồng là không nhiều. Trong khi các ngân hàng dự kiến tăng lợi nhuận 10% trong năm 2023 khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là khách hàng vay cảm thấy “đắng nghét”.
Vì vậy, ông Châu đề nghị, ngân hàng nên giảm mức lãi vay mua nhà xuống còn 8-9%/năm.
Trong một cuộc họp với các lãnh đạo ngân hàng thương mại vào cuối tháng 4 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói rằng: “Các ngân hàng phải xem lại mình, không thể cứ lãi lớn trong khi nhiều doanh nghiệp, người dân còn đang khốn khó”.
Việc các ngân hàng vẫn cho vay cao, theo Ngân hàng Nhà nước, do áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại (kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước).
Bên cạnh đó, ngân hàng chủ yếu huy động ngắn hạn trong khi các khoản cho vay dài hạn lại chưa thu hồi được trong bối cảnh khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Cụ thể, 88% lượng tiền gửi của hệ thống ngân hàng là các khoản tiền gửi ngắn hạn, từ 12 tháng trở xuống nhưng trên 52% dư nợ tín dụng là trung, dài hạn. Đây là một trong những lý do tạo sức ép lên lãi suất.