Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ô tô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam đến nay đã 34 năm (từ năm 1988 theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng).
Hiện nay mô tô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tổng số xe máy đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2020 là 72 triệu xe, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.
"Căn cứ quy định pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và thực tế triển khai, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do pháp luật có liên quan quy định xe cơ giới bao gồm cả xe ô tô, xe máy", Bộ Tài chính nêu rõ quan điểm.
Bộ Tài chính cho rằng, trường hợp Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định thấy có đầy đủ cơ sở pháp lý để bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe máy, Bộ Tài chính sẽ thống nhất bỏ quy định này.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết VCCI cũng đề xuất sửa đổi đồng thời nhiều quy định giúp tăng tỷ lệ chi trả đối với sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy, gồm có: Giảm mức phí bảo hiểm; tăng mức bồi thường bảo hiểm; giảm bớt các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm. Các quy định này cần được điều chỉnh sao cho tỷ lệ chi trả bảo hiểm đối với xe máy cũng vào khoảng hơn 30% như các loại bảo hiểm khác.
Mức phí bảo hiểm của xe máy
Điều 8 dự thảo nghị định đề xuất mức phí bảo hiểm của từng loại xe cơ giới, trong đó mô tô 2 bánh 50cc trở xuống là 55.000 đồng/năm; từ 50cc trở lên là 60.000 đồng/năm, mô tô 3 bánh là 290.000 đồng/năm, xe máy điện 55.000 đồng/năm.
Bộ Tài chính đề xuất quy định, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn.
Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) gây ra là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn.