Tác giả truyện tranh 'Tàn lửa', Lilywiu (Lê Lợi Thư Đình) vẫn tin, nền truyện tranh Việt Nam sẽ phát triển theo cách riêng - đặc trưng và bản sắc.
Là tác giả truyện tranh “Tàn lửa”, đang được giới trẻ nồng nhiệt đón nhận, Lilywiu (Lê Lợi Thư Đình) vẫn tin nền truyện tranh Việt Nam sẽ phát triển theo cách riêng - đặc trưng và bản sắc. Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện cùng tác giả Lê Lợi Thư Đình xoay quanh vấn đề này.
- Nhiều người tò mò về ý nghĩa bút danh Lilywiu và tên khai sinh Lê Lợi Thư Đình?
Tên Thư Đình là ông ngoại tôi đặt, với ý nghĩa là nơi ngâm thơ, đình viện, tri thức. Lê là họ nội còn Lợi là họ ngoại gốc Hoa của tôi. Lilywiu là tên tài khoản game của tôi. Khoảng chục năm trước họa sĩ Internet nào cũng muốn có một cái tên không dấu để tiện truy cập. Tôi sử dụng tên miền làm bút danh, chứ không có gì sâu xa cả.
- “Tàn lửa” được phát triển từ một đồ án truyện tranh và trong một hoàn cảnh khá đơn độc?
Vâng! Năm thứ 2 tại Đại học Hamburg có một đồ án truyện tranh, và rơi vào ngay lúc Covid-19 đang bùng phát ở châu Âu. Tôi luôn trong tâm thế muốn kể về những trải nghiệm bản thân bằng một hình thức nào đó, và tôi nghĩ tới lúc mình có thể thử nghiệm với one-shot 40 trang này.
Nhưng khi trình bày cho giáo viên, họ gợi ý tôi nên phát triển thành series với nhiều nhân vật tách biệt, để cảm xúc và tương tác giữa họ đan xen với một bối cảnh đầy thử thách, buộc con người ta phải lựa chọn thì sẽ tốt hơn là truyện ngắn.
Dĩ nhiên tôi cũng mất kết nối với quê hương nên Việt Nam là bối cảnh tôi ưu tiên hàng đầu, và đấu tranh giữa chuyện mình muốn kể với việc nên kể. Tôi chọn thử nghiệm làm “Tàn lửa” dưới dạng series truyện tranh và may mắn được đón nhận khi đăng tải lên mạng.
- “Tàn lửa” kể câu chuyện trong một gia đình giàu có buổi giao thời những năm đầu thế kỷ 20 ở nước ta. Chiêm nghiệm cá nhân nào đã khiến bạn chọn bối cảnh đó cho “Tàn lửa”?
Tôi quan niệm rõ ràng về cái gì muốn kể và nên kể, cũng như câu chuyện nào cũng nên xuất phát từ trải nghiệm cá nhân.
Tôi sinh ra trong gia đình theo đạo Công giáo nên việc niềm tin được định hướng từ nhỏ là hiển nhiên, nhưng vẫn có nhiều yếu tố khiến tôi muốn viết nên câu chuyện này như tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu, khủng hoảng danh tính hay tương quan giữa người với người trong cuộc sống...
Tôi tôn trọng tất cả giá trị niềm tin tôn giáo, vì nếu không có điều đó sẽ chẳng có tôi hôm nay, nhưng trước khi có thể đưa ra quyết định lớn thì tôi muốn chiêm nghiệm cuộc sống ở những bầu trời mới. Sau tất cả, tôi lại chọn hướng tâm hồn về Việt Nam như cách mà “Tàn lửa” ra đời.
- Thị trường truyện tranh ở Việt Nam được đánh giá là “khó tính” do nghiêng về yếu tố truyện tranh nhập ngoại. Sau khi “Tàn lửa” ra mắt, Thư Đình có thấy đánh giá ấy đúng?
Độc giả truyện tranh ở thị trường Việt Nam rất thông minh và khó tính. Với một cái giá tương đương hoặc rẻ hơn, họ có thể chọn lựa những tác phẩm bài bản được làm ra từ những nền công nghiệp truyện tranh lớn như Mỹ, Nhật, Hàn.
Nhưng tôi tin rằng với con số 10.000 bản cho 2 tập truyện “Tàn lửa” trong 1 năm cũng đủ để mọi người tin rằng sự đầu tư về chất lượng kịch bản, hình thức sẽ chạm đến trái tim độc giả. Tới cuối cùng thì tôi cũng chỉ có thể nói sẽ làm hết sức với sự chỉn chu và đầu tư kỹ lưỡng, và tôi vui khi mọi người đón nhận nó.
- Chia sẻ trong buổi ra mắt tác phẩm, Thư Đình có nói “suýt trở thành một nữ tu”, giả sử được chọn lại - bạn có đáp lại “ơn gọi” để theo con đường tu trì?
Tôi không nhìn lại quá khứ, vì tôi nghĩ chọn gì rồi cũng sẽ hối hận cái chưa chọn. Tôi cũng từng nghĩ nếu mình đi tu, hay mình tiếp tục học ở đại học kiến trúc, hay mình du học nước khác ngoài Đức sẽ ra sao?
Nhưng cái gì đã qua hãy cho qua và cái gì phải đến sẽ đến, bởi thế mới có cơ duyên kết nối với mọi người qua “Tàn lửa”. Tôi trân trọng giá trị đó hơn hết thảy. Nói thế chứ thật ra tôi cũng muốn trải nghiệm môi trường tu trì một lần, bây giờ cho chọn thì tôi vẫn muốn thử.
- Chọn học ngành Minh họa tại Đức, Thư Đình có áp lực “phải trở thành họa sĩ”?
Không hẳn, tôi của hiện tại để sinh tồn được giữa kỳ lạm phát và thất nghiệp trầm trọng ở châu Âu thì đang làm rất nhiều việc khác như các du học sinh ở đây. Hiện tại, tôi vừa vẽ vừa chạy hai việc giữa bồi bàn và nhân viên nội thất, tôi cũng từng làm nails, tiếp tân và biên tập viên của một hãng xuất bản.
Việc làm nhiều nghề cũng đem lại cho tôi nhiều trải nghiệm về cách nhìn nhận, đối xử, tương tác trong cuộc sống. Vậy nên trở thành họa sĩ chưa bao giờ là áp lực của tôi, nhưng là mục tiêu, danh tính của tôi.
- Theo góc nhìn của bạn, tương lai truyện tranh Việt Nam liệu có phát triển mạnh mẽ như Nhật Bản hay nhiều quốc gia khác mà bạn thấy?
Tôi thấy khó vì thời kỳ ấn phẩm giấy độc tôn đã qua, và có quá nhiều hình thức nội dung thú vị trên Internet ngày nay. Bản thân lịch sử phát triển đặc biệt là văn hóa nghệ thuật của chúng ta cũng khác Mỹ, Nhật, Hàn, nên việc tạo nên “nền công nghiệp” là thiếu thực tế.
Một đất nước phát triển không nhất thiết phải có nền truyện tranh phát triển, điển hình là Đức nơi tôi đang theo học. Nhưng điều đó không có nghĩa là truyện tranh Việt Nam thiếu tiềm năng. Chúng ta có rất nhiều họa sĩ, tác giả tài năng. Đặc biệt về diễn họa, tôi tin người Việt không thua quốc gia nào, nhưng chúng ta cần sự chuyên nghiệp và can đảm đột phá.
Tôi tin chúng ta vẫn có thể phát triển truyện tranh Việt Nam theo cách riêng của mình, không nhất thiết phải theo khuôn mẫu những nền công nghiệp truyện tranh khác. Chúng ta là chúng ta, không nên là cái bóng của ai khác.
- Xin cảm ơn Thư Đình!
Lê Lợi Thư Đình - 26 tuổi,sinh ra trong một gia đình Công giáo tại TPHCM, có mẹ là người gốc Hoa, đang theo học ngành Minh họa tại Trường Đại học Khoa học ứng dụng Hamburg (Đức). Truyện ngắn “Innocent Rabbit” của tác giả từng đoạt giải Standard Award tại Vietnam Manga Festival năm 2024. “Tàn lửa” là bộ truyện dài đầu tay của Thư Đình, lấy cảm hứng bối cảnh xã hội Việt Nam thập niên 30 của thế kỉ trước, khi giá trị truyền thống và tân thời đang trộn lẫn. Tác phẩm dự kiến dài 7 tập và đã xuất bản 2 tập.