Một tổ ong đóng trên kèo. |
Người dân đang thu hoạch mật ong. |
Với những nét độc đáo, ngày 20/12/2019, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đã ký Quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống - Nghề gác kèo ong, huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Hiện nay, nghề gác kèo ong được tỉnh Cà Mau tổ chức thành 2 hợp tác xã nghề (19/5 và Vồ Dơi) và các hộ kinh doanh khác theo định hướng phát triển bền vững: Vừa khai thác thực hành nghề gác kèo ong, vừa thực hiện nhiệm vụ trồng rừng, bảo vệ rừng.
Chỉ riêng tại 2 hợp tác xã 19/5 và Vồ Dơi, sản lượng mật hiện nay đạt khoảng 4.500 lít/năm. Các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy mật ong ngoài giá trị dinh dưỡng cao còn có nhiều công dụng trong y học, làm đẹp, chế biến món ăn...
Vì vậy, mật ong rừng U Minh Hạ được đa số người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Giá trị sản phẩm mật ong cũng không ngừng tăng cao trên thị trường, góp phần cải thiện thu nhập của những người làm nghề gác kèo ong.
Khách du lịch trải nghiệm nghề ăn ong. |
Năm 2021, sản phẩm mật ong rừng U Minh Hạ được Hội kỷ lục Việt Nam thuộc Liên minh kỷ lục thế giới xếp vào top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.
Hiện nay, một số cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh cũng xây dựng các mô hình gác kèo ong, ăn ong… cho du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Anh Phạm Duy Khanh, chủ khu du lịch sinh thái Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) cho biết: Sản phẩm đặc trưng, đặc biệt của khu du lịch là đưa khách đi trải nghiệm ăn ong.
“Hầu hết khách du lịch khi trải nghiệm ăn ong đều tỏ ra thích thú, nhất là khách nước ngoài, bởi thông qua đó họ biết thêm về một nghề truyền thống ở địa phương, một di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Đây cũng là cách chúng tôi góp phần quảng bá du lịch địa phương, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của ông, cha”, anh Khanh chia sẻ.
Gác kèo ong là nghề truyền thống đặc trưng của vùng rừng U Minh Hạ. Nó không chỉ tạo ra các sản phẩm vật chất, mà còn lưu lại dấu ấn của các bậc tiền nhân. Họ đã để lại cho đời một nghề nghiệp hết sức độc đáo; để lại cho con cháu một sản phẩm tinh thần đặc sắc về cuộc sống nơi “xứ sở lạ kỳ”.
Đó là những kinh nghiệm, những tri thức quý báu được tích lũy từ cuộc sống hàng ngày, thể hiện tính sáng tạo và thích nghi với môi trường trong quá trình khai hoang mở cõi, để ngày nay, mỗi khi về U Minh Hạ, du khách lại muốn được một lần trải nghiệm “ăn ong”, thưởng thức vị ngọt, thơm từ hoa tràm trong từng giọt mật.