Văn hóa

Vị Hoàng giáp từng làm thuê, bơi sông 'học lỏm' lớp quan Trạng

21/08/2024 07:16

Nhà nghèo, cậu bé Kiều Phú phải đi làm thuê kiếm sống, hàng ngày chỉ đứng ngoài 'học lỏm' lớp của Trạng nguyên Nguyễn Trực.

Thẻ gỗ đề văn, tiếng thơm bốn cõi

Kiều Phú, tự Hiếu Lễ, hiệu Ninh Sơn, sinh năm 1446 tại làng Phú Đa, xã Cần Kiệm (Thạch Thất, Hà Nội). Đầu thế kỷ 15, Kiều Phú cùng mẹ về tại mảnh đất xã Lạp Hạ, huyện Ninh Sơn (sau đổi là Yên Sơn), phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, nay là thôn Vĩnh Phúc, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai để lập nghiệp.

Tương truyền, Kiều Phú khi nhỏ sống trong một gia đình nghèo khó, từng phải đi làm thuê để kiếm sống. Một hôm cậu bé thấy đoàn áo the khăn lượt gánh lễ vật đi qua, cậu bé hỏi họ đi đâu? Thấy Kiều Phú rách rưới, họ có ý khinh bỉ. Kiều Phú gặng hỏi mãi mới biết họ là học trò của cụ lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực, thuộc thôn Văn Khê, xã Nghĩa Hương.

Kiều Phú vừa ức vừa xấu hổ về bản thân, về nhà cậu xin phép mẹ cho đi học. Kiều Phú sang đến trường không dám vào lớp, mà chỉ đứng ngoài “học lỏm” rồi vạch xuống đất mà học.

Một thời gian sau bà mẹ sang nói với thầy. Quan Trạng Nguyễn Trực nghe nói cũng giật mình vì chưa thấy học trò này vào lớp bao giờ, nhưng khi hỏi đến bài nào thì cậu bé đều trả lời vanh vách mà lại viết chữ rất đẹp.

Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực biết Kiều Phú có tài, liền cho theo học và không phải đóng đồng môn. Và vì biết gia cảnh Kiều Phú rất khó khăn nên đã chu cấp thêm cho.

Được vào học, ngày ngày Kiều Phú phải lội qua cánh đồng chiêm trũng đến lớp, mùa nước nổi phải vào điếm làng gỡ mảnh gỗ làm phao bơi qua sông sang xã Nghĩa Hương, khi đến trường sách ướt hết và phải phơi khô để có cái học.

Được thầy giáo tận tình dạy dỗ và đồng niên quý mến giúp đỡ, Kiều Phú lần lượt thi đỗ các kỳ thi Hương, rồi thi Hội. Trong kỳ thi Hội năm Ất Mùi (1475), có tới 3.000 thí sinh dự thi, Kiều Phú đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp).

vi hoang giap tung phai lam thue boi song hoc lom lop quan trang (2).jpg
Tượng thờ Hoàng giáp Kiều Phú.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1475 do Đông các Hiệu thư Lê Ngạn Tuấn vâng sắc soạn, có đoạn: “Sĩ tử tới kinh đô dự thi đông đến trên ba nghìn. Qua bốn trường, lấy trúng cách được 43 người. Khi dâng đọc quyển thi, Hoàng thượng ban cho bọn Vũ Tuấn Chiêu đỗ Tiến sĩ cập đệ, Tiến sĩ xuất thân, đồng Tiến sĩ xuất thân có thứ bậc khác nhau. Ơn vinh trên dưới đều tuân theo thể thức”.

Sau khi ông đỗ đạt, vì mẹ tuổi cao sức yếu ông đã ở nhà phụng dưỡng và chịu tang mẹ suốt 3 năm. Hết tang mẹ, vua Lê Thánh Tông đã cho sứ giả về tận nhà đón ông về kinh đô và phong cho chức Tham chính và được thụ phong ngự sử Thái Nguyên, trấn ty đề hình.

Kiều Phú là một nhân cách đẹp, không chỉ giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ mà hơn thế, ông còn là một người học trò biết tôn sư trọng đạo. Khi được hưởng bổng lộc, nhớ ơn thầy, ông bỏ tiền mua cả bãi Đầm Bái, Đầm Me để biếu làng Văn Khê, xã Nghĩa Hương để dân làng trồng lúa, thả cá hai đầm và cấy lúa, giao cho dân làng Văn Khê cúng giỗ thầy học Nguyễn Trực gọi là “bát cơm gắp cá trả nghĩa ơn thầy”.

Kiều Phú là tấm gương sáng chói về chữ lễ, hiếu nghĩa với thầy dạy học và cha mẹ, được người đời truyền tụng và ca ngợi như một sự vượt trội về trí tuệ và nhân cách: “Thẻ gỗ đề văn, khoa bảng, tiếng thơm lừng quế biển/Chút quà dâng lộc, sách rồng, ý đẹp biếc đồng thu/Bảng vàng khoa giáp, hiện từ rặng núi Tràng An/ Bia đá hồng đức nghe danh mọi người Liệp Hạ”.

Dấu ấn Kiều Phú trong “Lĩnh Nam chích quái”

vi hoang giap tung phai lam thue boi song hoc lom lop quan trang (1).jpg
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1475 – khoa thi Kiều Phú đỗ Hoàng giáp.

Khi làm việc ở kinh thành Thăng Long, Kiều Phú đã cùng Hoàng giáp Vũ Quỳnh (1453 - 1497) biên soạn “Lĩnh Nam chích quái” - tác phẩm sưu tập văn học dân gian đầu tiên của Việt Nam.

Đây là một tác phẩm từng được chép tay bằng chữ Hán, do một tác giả khuyết danh đời Trần khởi thảo. Hai nhà khoa bảng Kiều Phú và Vũ Quỳnh đã bổ sung, hiệu chỉnh và chia thành 2 quyển, gồm 22 truyện.

Nội dung chính của “Lĩnh Nam chích quái” là những truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại, dã sử từ thời thượng cổ đến thời Trần, hoặc giải thích nguồn gốc dân tộc (truyện Hồng Bàng, truyện Mộc Tinh...), hoặc kể sự tích các anh hùng, các nhân vật tài giỏi (truyện Phù Đổng Thiên Vương, truyện Hai Bà Trưng...), hoặc giải thích phong tục tập quán (truyện bánh chưng, truyện cây cau...), hoặc có liên quan đến các di tích lịch sử văn hóa (truyện Rùa vàng, truyện Như Nguyệt...).

Giới nghiên cứu đánh giá, mặc dù còn in đậm sắc thái huyền thoại, truyền thuyết nhưng “Lĩnh Nam chích quái” vẫn có nhiều giá trị sử liệu. Từ lâu, tác phẩm này đã được dịch ra chữ Quốc ngữ và xuất bản (1960), được tái bản nhiều lần.

Sau khi biên soạn xong tác phẩm, Kiều Phú bắt tay vào việc viết lời “Hậu tự” (lời Tựa). Bài “Hậu tự” của Kiều Phú là một văn bản văn học có giá trị nhiều mặt. Nguyên văn như sau: “Tôi cho rằng việc trên kinh, trên sử cốt để lại cho đời sau. Việc quái gở được ghi chép thành truyện, thành ký, cốt phổ biến để rõ truyện lạ.

Thế cho nên việc thời Ngu, thời Hạ, Thương, Chu chép trong sách kinh; việc đời Hán, Đường, Tống, Nguyên, ghi rõ ở sách sử. Còn các truyện ông già ở trên miền sông, con rồng bay xuống đất, tiếng trống kêu trong làng, chim sẻ tha sách đỏ, lại có chép riêng để bổ sung cho các truyện cũ ở các sách còn thiếu sót.

Các sách Vũ đế nội truyện đời Hán; Thiên Bảo di sự đời Đường, Triều dã thiêm tái đời Tống, há chẳng phải là những công trình thu thập tất cả các truyện kì quái của từng đời để giúp cho người ta xem đọc.

Nước Việt ta, về khoảng thời gian trước đời Thập nhị sứ quân, tài liệu giấy tờ không còn đủ để chứng thực. Đương nhiên là sự tích các quốc gia (tức triều đại) đã dành thấy chép ở trong các sách Thông giám của Thúc thủy (Tư Mã Quang) và sách sử của các triều.

Đến như sông núi linh thiêng, nhân vật kì dị thì tuy không chép trong sử nhưng truyền miệng cũng không sai mấy. Các nhà học giả sau thời đó, biên soạn lại làm thành truyện, gồm được mấy thiên, nhặt nhạnh những chuyện lặt vặt để bổ sung những điều còn thiếu.

Trong những việc kì quái, có nhiều điều quan hệ. Than ôi, việc trời sai chim huyền điểu xuống đất mà sinh ra tổ nhà Thương, thì việc trăm trứng nở trăm trai, chia nhau trị nước dòng dõi họ Triệu (Triệu Đà) chống chọi Bắc triều, thì truyện Nam Chiếu không thể bỏ được.

vi hoang giap tung phai lam thue boi song hoc lom lop quan trang (5).jpg
Hoàng giáp Kiều Phú là một trong những tác giả có công san định tác phẩm 'Lĩnh Nam chích quái'.

Nước chảy quanh co mà long mạch tụ hội, ghi lại trong truyện sông Tô Lịch, há chẳng phải là khen cái đẹp của hình thắng kinh đô là gì? Trận đánh thắng lợi mà máy nỏ lơ là chép lại trong truyện móng rùa vàng, há chẳng phải là chê trách vua An Dương quên lo nguy biến hay sao? Các truyện Tinh cá, Tinh hồ, Tinh mộc ghi rõ sự thực việc trừ hại cho dân. Các truyện bánh chưng, mắt rồng, trĩ trắng chép thật tường tận việc thần tử hết lòng vì nước.

Đổng Thiên Vương, Lý Ông Trọng vì đánh giặc giữ nước mà được hiển linh; quả dưa đỏ, buồng cau tươi vì là loài cây cỏ có lợi cho dân mà được khen ngợi. Chép truyện Nhất Dạ trạch Việt tỉnh cương là việc làm thiện trên đời mà được âm đức báo đền, cốt để khuyến khích, chép truyện Hà Ô Lôi, Dạ Thoa Vương là vì dâm ô đến nỗi hại mình mất nước, cốt để khuyên răn. Còn đến như truyện Thần núi Tản Viên thì có công ngăn chặn tai nạn, bà Man Nương thì có công cầu mưa ứng nghiệp liền.

Từ Đạo Hạnh phục thù cho cha, Nguyễn Minh Không chữa bệnh cho vua; Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải làm phép cho rồng xuống đất, cho tắc kè bị rơi, ai cũng phục nghệ thuật thần diệu. Việc tục huyền hoặc nhưng truyền lại rõ ràng, đem mà nói rõ ra cũng chẳng nên ư?

Nhưng mà bảo thần Tản Viên là con trai Âu Cơ, Đổng Thiên Vương tức là Long Quân, Lý Ông Trọng nói dối là đi tả mà chết, tôi dám cho là không đúng. Xưa kia sách truyện bảo Y Doãn, do việc bếp núc giỏi được gặp vua Thang, Bách Lí Hề do nghề chăn trâu được gặp Tần Mục Công, nếu không có ông Mạnh Kha hết sức biện bạch thì hai ông ấy cứ bị mang tiếng hèn hạ mãi.

Này, Tản Viên là thần có khí thiêng, Đổng Thiên Vương là tướng từ trời xuống. Lý Ông Trọng lại là hào kiệt một thời, sao có chuyện như là lời đã chép được? Vì thế, tôi tìm rộng các sách, phụ thêm ý riêng, thay đổi cho đúng, phân tích cho đúng những điều viễn vông xưa kia, giải chuyện chê cười cho lớp sau này, lại bỏ bớt những điều thừa, làm thật gọn, để bỏ vào trong tráp cho tiện lúc coi, xin các bậc học rộng tha lỗi cho việc tiếm lạm ấy thì thật may lắm”.

vi hoang giap tung phai lam thue boi song hoc lom lop quan trang (4).jpg
Sắc phong thời nhà Nguyễn ban cho Hoàng giáp Kiều Phú.

Tấm gương sáng cho đời sau

Hiện nay ở thôn Vĩnh Phúc, xã Liệp Tuyết, nhà thờ Hoàng giáp Kiều Phú không chỉ là niềm tự hào của riêng thôn làng, mà còn của cả xứ Đoài. Nhà thờ được làm theo kiểu chữ “nhất”, gian giữa bài trí hương án, các đồ tế tự, hòm đựng gia phả và sắc phong. Trên cùng là một khám thờ, trong có long ngai, bài vị.

Theo lời kể của dòng họ Kiều Phú, thì khi xây dựng nhà thờ, mỗi trai đinh trong họ đóng góp ba viên đá ong và cứ ba người góp tiền mua một cây cột hoặc cây xà. Vì vậy, đây là công trình chung của cả cộng đồng họ Kiều.

Nhà thờ được xây dựng từ thời Lê, trải qua nhiều lần tu sửa. Kiến trúc hiện tại được khởi dựng lại vào thời Nguyễn, được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa từ năm 1995.

Đức hạnh và công tích của Hoàng giáp Kiều Phú được hậu nhân hết lời ngợi ca, được các vua quan kính nể. Ông không chỉ là khoa bảng khai khoa của Quốc Oai, mà còn để lại cho đời những gương sáng về tinh thần hiếu học, về lễ nghĩa với cha mẹ - thầy dạy, về đức nghiệp nhà quan, về cách sống – và ứng xử làm người.

Ở nhà thờ Kiều Phú hiện nay vẫn bảo lưu được nhiều câu đối thơ phú do người đời sau phúng tặng ngợi ca ông như một tấm gương cho hậu nhân noi theo, ngoài ra còn một số sắc của các đời vua phong tặng.

Tháng 8/2023, cùng với Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Dô, huyện Quốc Oai đã gắn biển tên đường Kiều Phú nối liền 4 xã Ngọc Liệp, Liệp Tuyết, Nghĩa Hương, Cấn Hữu.

Đường Kiều Phú có chiều dài 3,6km; rộng từ 6,5 – 8,5m, từ Cống Ngã Tư, thuộc địa phận xóm 6, thôn Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp (cạnh Dự án Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) đến ngã ba giao cắt đường đê tả Tích tại thôn Đĩnh Tú, xã Cấn Hữu.

Hoàng giáp Kiều Phú qua đời ngày 13 tháng Giêng năm Quý Hợi (1503). Để ghi nhớ công lao và những đóng góp của ông cho đất nước, các triều đại sau này đã ban sắc. Trong đó, sắc năm 1924 vua Khải Định thời Nguyễn đã sắc phong ông làm Trung đẳng thần. Người dân thôn Vĩnh Phúc cũng lập nhà thờ Hoàng giáp Kiều Phú. Hiện tại đây, ngoài nhà thờ còn văn chỉ, từ chỉ và ở huyện Quốc Oai cũng có ngôi trường THCS mang tên Kiều Phú.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/vi-hoang-giap-tung-lam-thue-boi-song-hoc-lom-lop-quan-trang-post696645.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/vi-hoang-giap-tung-lam-thue-boi-song-hoc-lom-lop-quan-trang-post696645.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vị Hoàng giáp từng làm thuê, bơi sông 'học lỏm' lớp quan Trạng