Đơn cử, từ lớp 1, những học sinh yếu Toán hoặc Tiếng Anh sẽ được bổ túc sau giờ học. Các em sẽ học với giáo viên “hỗ trợ học tập”, là những người được đào tạo riêng để làm việc với những học sinh không theo kịp tiến độ của lớp.
Học sinh cần trau dồi tiếng mẹ đẻ sẽ học bổ túc từ năm lớp 2. Học sinh có tố chất được tuyển chọn vào Chương trình Giáo dục Năng khiếu từ năm lớp 3 và vào Học viện Thể thao Thiếu niên từ năm lớp 4.
Dựa trên kết quả học tập cuối năm lớp 4, học sinh lớp 5 và 6 được dạy các môn chính (Toán, Tiếng Anh, Khoa học, tiếng mẹ đẻ) theo hai cấp độ gồm cơ sở hoặc tiêu chuẩn.
Từ kết quả thi tốt nghiệp tiểu học, học sinh sẽ được lên cấp 2 theo ba luồng. Các em có kết quả thấp nhất sẽ học theo chương trình có yêu cầu ít nhất và kết quả cao nhất sẽ học theo chương trình khắt khe nhất.
Mô hình giáo dục này được áp dụng từ những năm 1970 nhằm đáp ứng từng giai đoạn học tập của mỗi cá nhân. Nguyên tắc cơ bản trong hệ thống giáo dục Singapore là sự tham gia của học sinh và việc học tập thành công phụ thuộc vào việc giảng dạy có mục tiêu rõ ràng. Đáp ứng các nhu cầu khác nhau của học sinh được coi là chìa khóa cho giáo dục công bằng.
Tuy nhiên, giáo dục Singapore đang càng trở nên phân hóa và cá nhân hóa hơn. Cụ thể, theo cải cách từ năm 2024, học sinh THCS sẽ không học theo ba luồng.
Thay vào đó, ở từng môn học, các em sẽ được phân vào một trong ba luồng dựa trên kết quả học tập. Học sinh có thể nâng cao trình độ ở từng môn học và được chuyển lớp. Ví dụ, em giỏi Toán có thể học Toán ở lớp trình độ cao nhất nhưng em này không giỏi Tiếng Anh nên sẽ học Tiếng Anh ở lớp trình độ thấp.
Bằng cách này, Singapore tin rằng họ có thể tiếp tục thích ứng với nhu cầu học tập cá nhân hóa của học sinh; đồng thời hạn chế sự phân biệt đối xử giữa các trình độ học tập khác nhau.
Giảng dạy là nghề rất được tôn trọng ở Đông Á. |
Còn tại Nhật Bản, giáo dục được phổ cập đến mọi người dân, thể hiện giáo dục rất được coi trọng ở đất nước này. Tỷ lệ nhập học bắt buộc là 100% và tỷ lệ mù chữ bằng không.
Một yếu tố khác tạo nên thành công của giáo dục Nhật Bản là tính công bằng trong hệ thống giáo dục. Tất cả trường học ở Nhật, bất kể vùng miền, điều kiện kinh tế - xã hội, đều nhận được nguồn tài trợ và nguồn lực như nhau. Các trường cũng có mức độ tự chủ cao, không chỉ về ngân sách, mà còn trong việc tuyển dụng giáo viên, xây dựng chương trình dạy.
Theo nghiên cứu của PISA, các hệ thống trường học được trao quyền tự chủ trong việc xác định và xây dựng chương trình giảng dạy, đánh giá có xu hướng hoạt động hiệu quả hơn so với những hệ thống thiếu tính tự chủ. Điều này đúng với mọi quốc gia, bất kể thu nhập bình quân đầu người.
Riêng trong năm nay, các chuyên gia cho rằng thời gian đóng cửa trường học có liên quan đến kết quả PISA. Đơn cử, kết quả của học sinh Nhật Bản đã có sự cải thiện đáng kể, từ vị trí 15 ở môn Đọc hiểu vào năm 2018 lên thứ 3 vào năm 2022. Kết quả môn Khoa học, học sinh Nhật Bản đứng thứ 2 và thứ 5 ở môn Toán học.
Trình độ của học sinh Hàn Quốc không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. |
Theo các chuyên gia OECD, thời gian đóng cửa trường học do dịch Covid-19 ở Nhật Bản ngắn hơn so với các quốc gia khác nên ảnh hưởng đến kết quả. Ngoài ra, học sinh được phát máy tính, máy tính bảng trong thời gian học trực tuyến để việc học không bị gián đoạn và các em cũng thành thạo hơn việc làm bài kiểm tra trên máy tính.
Tương tự tại Hàn Quốc, các nhà phân tích cho rằng, học sinh vẫn duy trì việc học trực tuyến trong giai đoạn không đến trường và ứng dụng nhiều công nghệ thông tin nhằm đảm bảo việc học vẫn diễn ra hiệu quả. Điều này góp phần khiến kết quả PISA của nước này vẫn duy trì ổn định và trình độ của học sinh Hàn Quốc nói chung không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn dịch, các trường học vẫn giữ liên lạc với học sinh, phụ huynh qua việc học trực tuyến. Một chuyên gia giáo dục nhìn nhận: “Hàn Quốc tổ chức học trực tuyến tốt hơn các quốc gia khác trong thời điểm dịch Covid-19 lan rộng. Do đó, học sinh Hàn Quốc cảm thấy gắn bó hơn với trường học so với học sinh ở các quốc gia khác”.
Ngành Giáo dục Singapore luôn đổi mới và đáp ứng nhu cầu hiện đại. Hệ thống giáo dục Singapore đã thích ứng với dịch Covid-19 bằng cách chuyển sang hình thức học tập tại nhà và sau đó là học tập kết hợp. Cơ sở hạ tầng tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai nhanh chóng các nguồn lực công nghệ, ngay cả trong những gia đình khó khăn.