Các nhà nghiên cứu thường lý giải rằng những đứa con sinh sau thường phải cạnh tranh với anh chị mình về trí tuệ và sức khỏe, nên chúng cũng chọn một cách khác biệt để định vị bản thân. Khi anh chị mình đã học giỏi và chọn những nghề nghiệp truyền thống, những đứa em trong gia đình thường chọn những công việc phi truyền thống hơn, chẳng hạn như diễn viên hài, thực ra là một nghề đòi hỏi tư duy nguyên bản và nổi loạn.
Ngoài ra cách mà cha mẹ nuôi dạy những đứa con cũng thay đổi. Khi mới có con đầu lòng, cha mẹ dành hết thời gian cho nó. Những đứa trẻ sinh sau ngoài việc phải cạnh tranh với anh chị mình, trong nhiều trường hợp cha mẹ cũng để cho anh chị trông em, và do đó những đứa em ít bị bao bọc bởi những nguyên tắc bảo thủ của người lớn hơn. Ngoài ra, khi đã có nhiều kinh nghiệm nuôi con hơn, cha mẹ cũng có xu hướng dễ tính hơn với đứa con thứ. Đến lượt đứa con út thì hầu như chẳng còn việc gì cho nó vì anh chị đã làm hết rồi, nên con út thường có xu hướng nghịch dại và mạo hiểm hơn.
Samuel và Pearl Oliner đã nghiên cứu những người không theo Do Thái đã mạo hiểm cuộc sống của mình để cứu những người Do Thái trong chiến dịch tàn sát của Hitler. Những người nghĩa hiệp này có nền tảng không khác gì những người thờ ơ. Thứ khác biệt duy nhất là cách cha mẹ nuôi dạy họ. Những người nghĩa hiệp được cha mẹ dạy dỗ bằng những lời giảng giải, gợi ý một cách tôn trọng. Điều này có nghĩa là họ có lòng tự tôn cao, được cha mẹ tin tưởng là sẽ hiểu, phát triển và cư xử tốt hơn.
Cha mẹ của những người nghĩa hiệp cũng thường giải thích tại sao những hành vi nào đó là không phù hợp khi gây ra hậu quả cho người khác, còn cha mẹ của những người thờ ơ thường nhấn mạnh vào việc tuân thủ luật lệ một cách nguyên tắc. Khi nhấn mạnh vào hậu quả của hành vi không phù hợp gây ra cho người khác, cha mẹ nuôi dưỡng lòng cảm thông và cảm giác tội lỗi. Hai cảm giác này là kim chỉ nam giúp các cá nhân mong muốn sửa sai và hành động đúng đắn trong tương lai.
Trong một nghiên cứu khác, cha mẹ thường có trung bình 6 luật lệ gia đình cụ thể, như thời gian biểu cần làm bài tập về nhà và đi ngủ. Cha mẹ của những đứa trẻ sáng tạo thường áp đặt ít nguyên tắc hơn nhưng họ nhấn mạnh vào các giá trị đạo đức, giúp con tự nhìn nhận được đúng, sai trong các hoàn cảnh cụ thể.
Cách cha mẹ khen chê cũng ảnh hưởng tới hành vi của con cái. Khi con cái làm việc tốt, cha mẹ nên khen tính cách. Thay vì nói "Chia sẻ đồ chơi với bạn là việc làm tốt", cha mẹ nên nói "Con là người tử tế và thích giúp đỡ người khác khi chia sẻ đồ chơi với bạn". Tương tự khi muốn ngăn chặn hành vi xấu, thay vì nói "Đừng dối trá - Please don't cheat", mà hãy bảo con "Đừng làm người dối trá - Please don't be a cheater".
Khi được cảnh báo "don't cheat", con vẫn có thể có hành vi dối trá nhưng tách biệt hành vi khỏi bản thể, vẫn coi bản thân là người đạo đức. Nhưng khi được cảnh báo "don't be a cheater," bất cứ hành vi dối trá nào cũng gắn với nhân diện của bản thân, khiến trẻ muốn tránh hành vi đó hơn. Tuy nhiên, các nhà giáo dục và tâm lý cũng khuyên khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ nên phê bình hành vi, không phê bình con người.
Cha mẹ cũng nên hướng con tới những hình mẫu tốt. Trong nhiều trường hợp, những nhân vật trong văn học cũng có thể là hình mẫu lý tưởng.
Thực tế là nhiều ý tưởng khoa học, kỹ thuật, kinh doanh đã hiện thực hóa những câu chuyện viễn tưởng và phiêu lưu. Người phát minh ra tàu ngầm và máy bay đã được gợi cảm hứng từ truyện Hai vạn dặm dưới đáy biển và Thiên mã của Jules Verne. Tên lửa đầu tiên cũng được phát minh dựa trên một tiểu thuyết. Điện thoại di động, máy tính bảng, GPS cũng được thiết kế bởi những người mê Star Trek.
Tất nhiên, thứ tự ra đời không quyết định bạn sẽ là ai, mà chỉ tạo ra các hoàn cảnh để tăng xác suất này và giảm xác suất kia. Bất kể chúng ta là con cả hay con út, nếu biết tới và theo đuổi những hình mẫu phi truyền thống, chúng ta cũng sẽ được gợi cảm hứng từ những nhân vật nguyên bản.