Mới đây, khi tiếp xúc với một nhà đầu tư đi săn hàng “ngộp” tại khu Đông Tp.HCM được biết, dù nguồn hàng đã giảm 30% so với giá đầu năm 2022 nhưng anh vẫn chưa quyết định “xuống tiền”.
"Người ta thường nói "đi mua lầm chứ bán không lầm". Trước đây, bất động sản kê giá lên cao nên mua bị hớ. Hiện nay, nguồn hàng ngộp ra nhiều, mình có quyền trả giá. Việc trả này tính vào phần lợi nhuận và rủi ro của thị trường, có thể bất động sản còn tiếp tục giảm giá thêm", vị này nói.
Do có kinh nghiệm ở vai trò người bán - người mua nên nhà đầu tư này nắm khá rõ giá cả khu vực và tìm cách thương lượng được mức giá mua vào tốt nhất lúc này.
Bất động sản bán tháo “giằng co” về giá
Ghi nhận cho thấy, nhiều nhà đất tại khu ven Tp.HCM và các tỉnh lân cận hiện đã hạ giá bán từ 20-40%, song bên mua vẫn muốn giảm giá 50-70% mới xuống tiền. Giữa hai bên đang diễn ra sự vênh về giá và kì vọng khiến giao dịch đình trệ.
Mới đây, một nhà đầu tư bán mảnh đất tại Củ Chi, Tp.HCM giá 5,4 tỉ đồng. Giá này đã giảm hơn 20% so với mua vào (6,5 tỉ đồng). Tuy vậy, có khách mua vào trả 3.5 tỉ đồng, tức giảm gần 1 nửa giá vốn. Do hai bên không thể thương lượng được giá nên giao dịch này không diễn ra.
Bên bán dù kẹt tiền nhưng không bán hàng theo kiểu “xả hàng thủng đáy”. Mức giảm phổ biến là từ 15-30%, qua mức này thường người bán sẽ cân nhắc bán hay giữ lại.
Trong khi người mua vì nghĩ có nhiều sự lựa chọn nên liên tục vào trả giá. Mức giảm bất động sản là 20-30%, người mua có xu hướng trả xuống thêm 20-30%. Đó là lý do gần đây thị trường xuất hiện tình trạng bất động ngộp bị ép giảm nửa giá.
Một môi giới cho biết, mùa thị trường bất động sản yếu thanh khoản như hiện nay là lúc rộ lên các cuộc giằng co, ngã giá nhà đất bán tháo. Không ít trường hợp sau khi nghe bên mua trả giá, chủ đất bị sốc, từ chối thương lượng thêm. Bên cạnh đó có những vị khách không thật sự có thiện chí khi thương lượng. Liên tục trả giá nhưng đến khi chủ đất đồng ý thì lấy lý do khác không chốt.
Theo những người trong cuộc, từ nay đến cuối năm có thể các bất động sản ngộp còn tiếp tục ra thị trường. Trong đó, mức độ giảm giá còn tăng lên. Đó là lý do nhiều nhà đầu tư sẵn tiền mặt bằng vẫn ở thế “chờ đợi” để săn được nguồn hàng rẻ nhất.