Những người Chính thống giáo ở Nga tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 7/1. Ảnh: Reuters. |
Hàng năm, khoảng 260 triệu người trên thế giới tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 25/12. Tuy nhiên, khoảng 12% người theo Kitô giáo trên thế giới lại chờ đến ngày 7/1 mới tổ chức lễ Giáng sinh.
Những bất đồng về thời điểm tổ chức lễ Giáng sinh đã xảy ra từ năm 325 Công nguyên, khi một nhóm giám mục Kitô giáo cùng nhau tổ chức hội nghị tôn giáo toàn thế giới để thảo luận về các vấn đề giáo lý trong tôn giáo.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất của hội nghị này là chuẩn hóa ngày lễ quan trọng nhất - lễ Phục sinh. Các giám mục quyết định chọn ngày dựa trên lịch Julian - loại lịch được người cai trị La Mã Julius Caesar áp dụng vào năm 46 trước Công nguyên. Lịch Julian được áp dụng dựa theo lời khuyên của nhà thiên văn người Ai Cập Sosigenes nhằm bỏ đi kiểu lịch âm lộn xộn của Rome.
Nhưng tính toán của Sosigenes lại có một vấn đề là ông đã ước tính năm dương lịch dài hơn khoảng 11 phút. Kết quả, theo thời gian, lịch và năm dương lịch ngày càng trở nên thiếu đồng bộ.
Đến năm 1582, các ngày lễ quan trọng của Kitô giáo trôi qua nhiều đến mức Giáo hoàng Gregory XIII lo ngại. Ông đã triệu tập các nhà thiên văn học khác để đề xuất một loại lịch mới, gọi là lịch Gregorian.
Lịch Gregorian đã giải quyết được một số vấn đề phức tạp tích tụ trong nhiều năm và phần lớn người theo Kitô giáo trên thế giới đã chấp nhận loại lịch này. Tuy nhiên, những người theo Chính thống giáo (một nhánh của Kitô giáo) lại không đồng ý. Họ từ chối lịch Gregorian và tiếp tục sử dụng lịch Julian.
Tình trạng này kéo dài trong nhiều thế kỷ. Đến năm 1923, lịch Gregorian và lịch Julian chênh nhau 13 ngày, khiến lễ Giáng sinh của Chính thống giáo chậm hơn 13 ngày.
Kutya là món ăn Giáng sinh truyền thống của người Chính thống giáo tại Nga. Ảnh: Freepik. |
Ngày nay, truyền thống tổ chức lễ Giáng sinh của Chính thống giáo có những điểm khác nhau, tùy thuộc vào từng vùng và phong tục địa phương. Nhưng đối với nhiều người, Giáng sinh vẫn là dịp tập trung vào các hoạt động liên quan tôn giáo.
Theo truyền thống, những người theo Chính thống giáo sẽ ăn kiêng 40 ngày trước lễ Giáng sinh. Họ thường kiêng thịt, sữa, cá, rượu và dầu ô liu. Sau đêm Giáng sinh, mọi người cùng nhau đi nhà thờ và ăn mừng tại nhà.
Ở Georgia, các giáo sĩ và người dân sẽ mặc trang phục tôn giáo, cùng nhau ca hát và diễu hành qua các con phố, sau đó đi về phía nhà thờ. Đoàn diễu hành được gọi là Alilo, bắt nguồn từ một bài hát truyền thống của trẻ em thường hát vào đêm Giáng sinh.
Các món ăn cũng là một yếu tố quan trọng trong lễ Giáng sinh của người theo Chính thống giáo. Tùy thuộc từng vùng, từng phong tục, món ăn dịp này cũng có sự khác biệt.
Ví dụ ở Nga, người dân ăn kutya (hoặc kutia), món ăn làm từ gạo, lúa mì. Kutya thường được đựng trong một chiếc bát lớn, tượng trưng cho sự đoàn kết.
Trong khi đó, ở Ai Cập, người Chính thống giáo lại ăn sáng bằng fattah - món ăn làm từ bánh mì, cơm và thịt. Người Chính thống giáo ở Ethiopia lại ăn wat - một món hầm làm từ gà trống và có thêm trứng gà. Wat thường được chia thành 12 phần, tượng trưng cho 12 sứ đồ của Chúa.