Vì sao Mỹ phải tránh thúc đẩy can thiệp quân sự vào Niger?

30/08/2023, 19:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tới thăm Niger vào tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố quốc gia Tây Phi này là một "mô hình dân chủ". Nhưng phương Tây  đã tự lừa dối khi cho rằng Niger đang trên đà ổn định. Cuộc đảo chính đã chứng minh điều ngược lại.

Đặt cược

Đặt kỳ vọng cao vào chính quyền dân sự Niger nhưng phương Tây đã bỏ qua việc có bao nhiêu người Niger coi cuộc bầu cử cuối năm 2020 là một màn kịch. Bazoum nổi lên như một ứng viên "tay trong" của Tổng thống Niger khi đó, ông Mahamadou Issoufou. Ông Issoufou thậm chí còn "dọn đường" để ông Bazoum nhậm chức suôn sẻ khi bắt giữ đối thủ chính của ông Bazoum vì cáo buộc giả liên quan đến buôn bán trẻ em. 

Tháng 2/2021, khi truyền thông nhà nước loan tin về chiến thắng sít sao của ông Bazoum, hàng trăm người ủng hộ phe đối lập đã xuống đường tuyên bố kết quả bầu cử là gian lận. Cảnh sát Niger đã bắt giữ gần 500 người và cắt Internet trong nhiều tuần. 

Hầu hết người Niger không kỳ vọng có nhiều thay đổi dưới chính quyền của ông Bazoum. Vị Tổng thống này được cho là dung túng cho nạn tham nhũng và duy trì các chính sách đàn áp từ thời người tiền nhiệm Issoufou. Việc ông Bazoum cho phép Pháp biến Niger thành căn cứ mới cho các hoạt động quân sự ở Sahel được cho là quyết định có thể gây tác động xấu đến vị Tổng thống Niger này nhất.

Vì sao Mỹ phải tránh thúc đẩy can thiệp quân sự vào Niger? - 3

Lãnh đạo phe đảo chính ở thủ đô Niamey, Niger, tháng 8/2023. Ảnh: Reuters

Để củng cố vị thế ở vùng Sahel, nửa cuối năm 2022, Pháp triển khai thêm 1.000 quân tới Niger. Tổng thống Bazoum khi đó cũng nhận từ Paris 70 triệu euro bổ sung tiền tài trợ và khoản vay mới để mua thực phẩm cùng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đây là một thỏa thuận mạo hiểm với ông Bazoum khi ông dám đặt cược rằng có thể đảm bảo giữ kín sự hiện diện của quân đội Pháp. Vụ đặt cược này cũng củng cố vị thế "con cưng" của ông Bazoum với phương Tây.

Mỹ cần một Niger ổn định và thân thiện nên Washington cũng phát triển các lợi ích an ninh đáng kể ở đây. Washington sử dụng một căn cứ không quân của CIA ở thị trấn Dirkou (Niger) để giám sát ở miền nam Libya. Mỹ còn đầu tư hơn 100 triệu USD vào một căn cứ không quân ở thành phố Agadez, miền bắc Niger, để mở rộng khả năng tình báo của Mỹ trong khu vực. Mỹ cũng duy trì khoảng 1.000 binh sĩ ở các căn cứ này và thủ đô Niamey của Niger. 

Các động thái của Mỹ có "sức nặng" ở Sahel

Hannah Rae Armstrong, một cố vấn chính sách có nhiều năm nghiên cứu về Bắc Phi và vùng Sahel, cho rằng đường hướng hiện tại của Washington về cuộc khủng hoảng Niger (thúc đẩy ngoại giao) là phù hợp. Armstrong cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải tránh ủng hộ can thiệp quân sự.

Việc một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và phương Tây sẽ nổ ra ở Sahel là điều không thể tránh khỏi nếu có can thiệp quân sự. Trên thực tế, một sự can thiệp quân sự vào Niger chỉ tăng thêm khả năng Nga can thiệp sâu hơn vào khu vực, Armstrong nhận định. 

Chính quyền quân sự Niger tỏ ra quan tâm đến việc hợp tác với Nga, nhưng tới nay, Moscow vẫn chưa có quyết định hay tuyên bố chính thức nào về việc này. Theo Armstrong, trong trường hợp quân đội nước ngoài đối đầu chính quyền quân sự Niger, Nga có thể sẽ có động thái thể hiện cam kết bảo vệ các đối tác châu Phi.

Một trở ngại lớn để Washington duy trì đường hướng này là bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Niger một cách hòa bình đều có thể buộc Mỹ phải công nhận chính quyền quân sự. 

Trước mắt, sự công nhận (nếu xảy ra) sẽ xung đột với chính sách đối ngoại hướng của Tổng thống Mỹ Biden. Nhưng nó sẽ có ý nghĩa với người Niger khi một cường quốc phương Tây cuối cùng cũng thừa nhận mong muốn của họ là thấy một cách tiếp cận dựa trên ngoại giao, mà không phải thêm quân đội nước ngoài tới Niger. 

Để có một giải pháp hòa bình mang lại lợi ích lâu dài, Mỹ phải khẩn trương tập trung chú ý vào giải quyết 2 thách thức. Thứ nhất, cách tiếp cận an ninh (thông qua đối thoại) của Tổng thống bị phế truất Bazoum ở biên giới 3 nước Niger, Mali và Burkina Faso đang trên bờ vực sụp đổ. Khi binh sĩ Niger tập trung về Niamey, quân nổi dậy đã tận dụng lỗ hổng để thực hiện các vụ tấn công ở biên giới.

Chính quyền quân sự Niger có thể cho rằng chiến lược an ninh dựa trên đối thoại là quá mềm mỏng và sẽ lựa chọn đi theo con đường cứng rắn hơn như Mali và Burkina Faso - tuyển quân để tăng cường sức mạnh cho lực lượng dân quân, đối đầu quân nổi dậy.

Vì sao Mỹ phải tránh thúc đẩy can thiệp quân sự vào Niger? - 4

Mỹ giúp đào tạo binh sĩ Niger năm 2006. Ảnh: Sean Worrell

Mỹ từng điều hành các chương trình đào tạo cho các sĩ quan quân đội Niger nên nước này có quan hệ chặt chẽ với một số tướng lĩnh quân đội. Bằng cách thuyết phục những tướng lĩnh này về chiến lược tiếp cận của ông Bazoum, Washington nên khuyến khích duy trì các chính sách an ninh đã mang lại hiệu quả. 

Thứ hai, Mỹ phải đối mặt với nguy cơ nổi dậy ở phía bắc Niger. Giới tinh hoa kinh tế, chính trị và quân sự phía bắc có mối liên hệ thân thiết với Tổng thống bị phế truất Bazoum và người tiền nhiệm của ông này. 

Tuy nhiên, về cơ bản, Niamey chưa bao giờ thực hiện toàn bộ cam kết của mình trong thỏa thuận hòa bình năm 1995 - chấm dứt cuộc chiến kéo dài 4 năm với quân nổi dậy phía bắc. Đặc biệt là lời hứa giúp người dân phía bắc Niger thu được lợi nhuận từ nguồn tài nguyên uranium dồi dào. Hiện tại, 2 thủ lĩnh trung thành với ông Bazoum đã mở các mặt trận nổi dậy mới, tìm kiếm vũ khí, tân binh và sự hậu thuẫn của nước ngoài để đối đầu chính quyền quân sự. 

Một thế hệ phiến quân phía bắc mới đầy tiềm năng có thể dễ dàng tiếp cận với vũ khí và nguồn tiền từ việc khai thác uranium, buôn ma túy. Các chuyên gia cho rằng Washington nên tận dụng lời đề nghị công nhận hoặc tiếp tục hợp tác quân sự để thúc giục chính quyền quân sự Niger đưa các thủ lĩnh phía bắc vào bộ máy chính quyền mới. Điều này sẽ giúp trấn an các cộng đồng phía bắc. 

Các động thái của Mỹ có "sức nặng" ở vùng Sahel. Khác với Pháp, Mỹ vẫn có danh tiếng và tầm ảnh hưởng trong khu vực này. Người dân địa phương và các quan chức coi việc Washington triển khai và duy trì binh sĩ kín đáo ở Niger là cơ hội cho quan hệ đối tác hơn là gây rối. Washington không nên phá vỡ thiện cảm đó bằng cách tránh lặp lại sai lầm của Paris.

______
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Hannah Rae Armstrong, một cố vấn chính sách có nhiều năm nghiên cứu về Bắc Phi và vùng Sahel, đồng thời là cây viết của tạp chí Mỹ Foreign Affairs.

Theo ([Tên nguồn])
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/vi-sao-my-phai-tranh-thuc-day-can-thiep-quan-su-vao-niger-c415a1497346.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/vi-sao-my-phai-tranh-thuc-day-can-thiep-quan-su-vao-niger-c415a1497346.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Mỹ phải tránh thúc đẩy can thiệp quân sự vào Niger?