Thời sự

Vì sao nhiều giáo viên ở Thanh Hoá chưa nhận được chế độ trợ cấp?

02/08/2024 10:13

Giáo viên ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hoá) phản ánh đến Báo GD&TĐ việc chưa được hưởng chế độ dạy học sinh khuyết tật, giai đoạn 2012 - 2021.

Trả lời khúc mắc trên của giáo viên, ông Đoàn Đăng Khoa, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa xác nhận, phản ánh của giáo viên là đúng.

Hiện huyện chưa chi trả chế độ cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật (giai đoạn từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2020 - 2021) theo Nghị định số 28/2012 của Chính phủ.

Cũng theo ông Khoa, sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn về việc thực hiện chính sách chi trả tiền trợ cấp cho giáo viên trực tiếp tham gia đứng lớp dạy trẻ khuyết tật trong các lớp hòa nhập cộng đồng, UBND huyện Hoằng Hóa đã ban hành công văn về việc triển khai vấn đề này.

Trong đó, giao cho Phòng GD&ĐT huyện rà soát các trường hợp đủ điều kiện thụ hưởng chính sách đối với nhà giáo dạy người khuyết tật theo phương thức hòa nhập năm học 2021 - 2022 và giai đoạn trước đó (từ 16/3/2018 đến năm học 2020 - 2021).

“Ngay sau khi có chủ trương, Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các nhà trường rà soát hồ sơ, thẩm định, duyệt kết quả và đã báo cáo về Sở GD&ĐT Thanh Hóa từ 21/11/2022. Đồng thời, báo cáo kết quả rà soát, nhu cầu kinh phí về Sở Tài chính từ 8/12/2023”, ông Khoa thông tin.

Cũng theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa, hiện nay huyện đã thực hiện chi trả chế độ cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật năm học 2021 - 2022, năm học 2022 - 2023 và năm học 2023 - 2024, với tổng kinh phí là 11.551.722.000 đồng.

Năm học 2021 - 2022, tổng số học sinh tham gia học tập theo phương thức hòa nhập là 321 em. Số giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh khuyết tật là 1.033 người; kinh phí chi trả phụ cấp là 2.785.667.000 đồng.

Năm học 2022 - 2023, tổng số học sinh tham gia học tập theo phương thức hòa nhập là 322 em. Số giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh khuyết tật là 1.122 người; kinh phí chi trả phụ cấp là 4.160.210.000 đồng.

Năm học 2023 - 2024, tổng số học sinh tham gia học tập theo phương thức hòa nhập là 332 em. Số giáo viên trực tiếp giảng dạy học khuyết tật là 1.120 người; dự kiến kinh phí chi trả phụ cấp là 4.615.845.000 đồng.

Dự toán nhu cầu kinh phí chi trả chế độ cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật từ năm 2012 - 2013 đến năm 2020 - 2021 của huyện Hoằng Hóa là hơn 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình phê duyệt những giáo viên dạy học sinh khuyết tật do thời gian dài ở các nhà trường còn gặp nhiều khó khăn (hiệu trưởng và giáo viên ở các đơn vị có nhiều biến động). Do đó, đến thời điểm này, việc chi trả chế độ nêu trên cho giáo viên ở huyện Hoằng Hóa (giai đoạn từ năm học 2012 - 2013 đến năm 2020 - 2021) chưa thực hiện được.

“Phòng GD&ĐT đang yêu cầu các đơn vị thực hiện rà soát và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tổng hợp các trường hợp được hưởng chế độ, nhu cầu kinh phí chi trả. Đồng thời, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu cho UBND huyện thực hiện việc chi trả chế độ này (từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2020 - 2021) trong thời gian sớm nhất”, ông Đoàn Đăng Khoa thông tin.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-nhieu-giao-vien-o-thanh-hoa-chua-nhan-duoc-che-do-tro-cap-post694111.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-nhieu-giao-vien-o-thanh-hoa-chua-nhan-duoc-che-do-tro-cap-post694111.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao nhiều giáo viên ở Thanh Hoá chưa nhận được chế độ trợ cấp?