Vì sao nhiều người mất tiền lại tiếp tục dính bẫy “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo”?

09/01/2024, 13:58
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều người bị lừa đảo mất tiền lại tiếp tục dính bẫy "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo" khi tin tưởng những kẻ mạo danh trên mạng xã hội.

Ngày 9-1, Công an TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế phát đi cảnh báo đến người dân về thủ đoạn lừa đảo với danh nghĩa "công ty tư vấn luật hỗ trợ lấy lại tiền cho nạn nhân bị lừa đảo".

Theo cơ quan công an, gần đây xuất hiện nhiều trang Facebook quảng cáo với nội dung hỗ trợ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng, hỗ trợ lấy lại tiền bị treo trên các sàn điện tử, vay online... Công an TP Huế cảnh báo đây là thủ đoạn lừa đảo mới, nếu mọi người không cảnh giác thì sẽ tiếp tục dính bẫy, mất tiền.

Vì sao nhiều người mất tiền lại tiếp tục dính bẫy “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo”? - 1

Chị M. bị lừa đảo bởi kẻ mạo danh "luật sư Trần Thanh Mai".

Mới đây, chị Phan Thị M. (ngụ phường Vỹ Dạ, TP Huế) đến trình báo công an mình bị lừa đảo bằng hình thức như trên. Theo chị M., trước đó, chị đăng ký cho con thi IELTS qua mạng thì bị đối tượng xấu dùng nhiều chiêu trò lừa đảo với số tiền hơn 90 triệu đồng. Xuất phát từ nhu cầu lấy lại số tiền bị lừa và thông qua Facebook, chị nhận được một trang quảng cáo "Công ty luật hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa, bị treo".

Chị M. đã nhờ công ty này giúp lấy lại số tiền bị lừa đảo. "Một người khẳng định mình là "luật sư Trần Thanh Mai", đã giúp rất nhiều người bị lừa lấy lại được tiền. Công ty này đưa tôi vào một nhóm chat Zalo gồm 4 người, trong đó có người nói mình bị lừa mất 100 triệu, người 110 triệu đồng và đều được giúp lấy lại được tiền. Tôi điện cho từng người và họ đều xác nhận như vậy khiến tôi tin tưởng. Nhưng thực chất, chúng là một nhóm cùng lừa tôi" - chị M. kể.

Cũng thủ đoạn này, nhiều người trình báo mình bị lừa đảo hết nhiều tiền. Cụ thể, ngày 6-11-2023, chị Đinh Thị D., (ngụ phường Kim Long, TP Huế) bị các đối tượng lừa 16 triệu đồng; ngày 8-11-2023, anh Hồ Mộng Tú (ngụ huyện Phú Vang) trình báo bị lừa đảo gần 9 triệu đồng; anh Nguyễn Thanh H., (ngụ phường Phú Thượng, TP Huế) bị lừa 59 triệu đồng...

Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Huế, cho biết các đối tượng thường tạo lập các trang web, mạng xã hội để mạo danh các cá nhân, tổ chức có uy tín như văn phòng luật sư, ngân hàng, cơ quan chức năng nhà nước với quảng cáo có khả năng hỗ trợ bị hại lấy lại tiền bị lừa đảo. Thông qua các kênh thông tin này, chúng tiếp cận bị hại và dùng kỹ thuật thao túng tâm lý, làm họ tin tưởng có khả năng lấy lại được tiền. Sau đó, chúng yêu cầu bị hại chuyển tiền để tiếp tục lừa đảo.

Vì sao nhiều người mất tiền lại tiếp tục dính bẫy “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo”? - 2

Chân dung kẻ lừa đảo chị M.

Năm 2023 Công an TP Huế tiếp nhận hàng trăm đơn của bị hại liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị hại hàng chục tỷ đồng. Trong đó, công án đã phá 2 chuyên án, bắt giữ 3 đối tượng sử dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt 44 triệu đồng của bị hại.

Ngoài các thủ đoạn trên, một số thủ đoạn mà nhiều người bị lừa đảo khác như giả danh nhân viên ngân hàng mời mở thẻ tín dụng; tuyển cộng tác viên bán hàng cho Shopee, Lazada, Tiki; hack Facebook, Zalo nhắn tin, gọi điện thoại nhờ chuyển tiền vào tài khoản; giả danh cán bộ cơ quan chức năng như công an, viện kiểm sát... Vì vậy, Công an TP Huế đề nghị người dân hết sức nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bài liên quan
Bắt giữ đối tượng giả danh Trợ lý Tổng  Bí thư để lừa đảo
Suốt hơn 3 năm qua, đối tượng Trần Hữu Minh thường xuyên có mặt trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, mạo danh mình là cán bộ Nhà nước cấp cao với mục đích thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao nhiều người mất tiền lại tiếp tục dính bẫy “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo”?