Gói vay có nguy cơ “ế” vì lãi cao?
Trước thực trạng nhiều dự án gặp vướng mắc pháp lý nên không thể thúc đẩy nguồn cung mới, đã có nhiều ý kiến lo ngại, thị trường khó hấp thụ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Điều này từng xảy ra với các chương trình cho vay ưu đãi liên quan đến nhà ở xã hội, như gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Thậm chí, Ngân hàng Chính sách cũng “ế” tới 11.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội dù lãi suất chỉ từ 4,8-5%/năm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, mức lãi suất 8,7%/năm áp dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khá phù hợp, vì hiện nay, lãi suất của các gói vay khác rất cao, khoảng 12 - 13%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (những người có thu nhập thấp) lại quá cao.
Theo báo cáo Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2021-2025, các địa phương đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội ở khu vực đô thị với quy mô xây dựng 19.516 căn nhà. Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 294 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.
Ông Châu lấy ví dụ, căn hộ nhà ở xã hội có giá 1 tỷ đồng, thanh toán trước 20% là 200 triệu đồng và được vay 80% là 800 triệu đồng với lãi suất 8,2%/năm, chỉ riêng việc trả lãi vay năm đầu tiên người vay phải trả bình quân 5,46 triệu đồng/tháng. Nếu cộng tiền gốc, một tháng, người mua nhà phải trả trên mức 10 triệu đồng/tháng, vượt quá sức của nhiều người thu nhập thấp tại đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM.
Ngoài ra, ông Châu cho rằng, các mức lãi suất được xác định định kỳ 6 tháng một lần, theo đó mức lãi suất 8,2%/năm, 8,7%/năm áp dụng đến ngày 30/6/2023 làm cho tâm lý của người vay thêm bất an. Thời gian ưu đãi chỉ trong 5 năm quá ngắn, ông nói.