Tại SHB, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản đến 30/6/2023 là 59.464 tỷ đồng, chiếm gần 15% tổng dư nợ, trong khi cuối năm ngoái chỉ 6,75%.
Tương tự, MBBank cũng có chiều hướng gia tăng cho vay kinh doanh bất động sản khi đạt mức 28.161 tỷ đồng, chiếm gần 6% tổng dư nợ, tăng hơn so với mức 4,64% cuối năm trước.
Còn tại TPBank, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản là 13.731 tỷ đồng, chiếm hơn 7% và cũng tăng lên cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỉ lệ so với cuối năm 2022.
Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Nguyễn Hồng Chung - Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - cho biết, việc dư nợ tín dụng bất động sản 6 tháng đầu năm tăng hơn năm 2022 cho thấy những dấu hiệu tích cực từ chính sách liên quan đến dòng vốn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, dòng vốn này chủ yếu chảy chủ đầu tư. Theo đó, các chủ đầu tư đã đủ điều kiện vay vốn và đưa nguồn hàng ra thị trường.
Thế nhưng, số liệu cho thấy dư nợ tín dụng cho tiêu dùng bất động sản giảm. Điều này dễ hiểu bởi năm 2021, 2022, người dân sử dụng đòn bẩy tài chính đầu tư bất động sản quá nhiều. Sau khi thị trường gặp khó khăn về thanh khoản, lãi suất tăng cao, nhà đầu tư khổ sở cắt lỗ. Hiện nhu cầu vay vốn đầu tư bất động sản giảm, chỉ có người có nhu cầu thật mới vay ngân hàng.
Theo ông Chung, câu chuyện thị trường bất động sản vẫn khó khăn không phải do thiếu nguồn cung tiền mà mua ở phân khúc nào, với giá nào? Hiện ngân hàng xem xét giải ngân ở những dự án có tính khả thi thu hồi vốn cao.
"Chúng ta quan sát có thể thấy, trong thời gian dài, niềm tin của thị trường đang thiếu vắng, gần như không có giao dịch. Các vụ án kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Các chủ đầu tư đang tái cấu trúc để có dòng tiền đảm bảo hoạt động. Chính phủ có các chính sách, cơ chế giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hy vọng sẽ thúc đẩy thị trường trở lại vào năm 2024", ông Chung nói.